Thứ Năm, 09/01/2014 8:46:09 (GMT+7)

Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2015

Sáng ngày 08/01/2014, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 – 2015. Đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, một số hiệp hội doanh nghiệp và UBND các huyện thành thị trong tỉnh.

Đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc kết luận hội nghị. Ảnh Dương Chung

Hội nghị nhận định, việc cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, cần có những hệ thống cơ chế, chính sách và chương trình hành động đồng bộ, hiệu quả; đồng thời phải kiên trì, quyết liệt thực hiện trong một thời gian dài, đòi hỏi có sự phối hợp toàn diện của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh. Cần phải có chuyển biến từ nhận thức đến hành động và có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, từ lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đến cấp ủy Đảng, Chính quyền cơ sở.

Đặc thù của Vĩnh Phúc là tỉnh kinh tế có tỉ trọng khu vực FDI lớn, còn các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn tham gia vào các lĩnh vực xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô nhỏ… là những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Bởi thế, việc cải thiện và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh càng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Khải – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày những nội dung cơ bản của Đề án, nhấn mạnh các giải pháp cần phải tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; Đồng chí Bùi Minh Hồng – Chánh Văn phòng UBND tỉnh thông qua những hành động cụ thể thực hiện các nhóm giải pháp của từng cơ quan, đơn vị nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; Đồng chí Nguyễn Tiến Hạnh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư báo cáo tình hình, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư theo cơ chế “một cửa liên thông” tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư và kết quả hoạt động của Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền sau một năm thực hiện. Cũng tại hội nghị, Ông Đường Trọng Khang – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh đã báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá các sở ngành, huyện thành thị về các chỉ số thành phần của PCI năm 2013.

Đánh giá về việc triển khai Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng yêu cầu các cấp, các ngành phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và nhận trách nhiệm trong việc cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Từ đó tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ công chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PCI; về trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ công chức trong việc nâng cao thức bậc xếp hạng PCI của tỉnh.

Theo đó, mục tiêu nhằm xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; cải thiện hình ảnh của Vĩnh Phúc là một tỉnh năng động về cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu từ năm 2013 đến năm 2014 cải thiện điểm của các chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh, mỗi năm tăng ít nhất 15 – 20 bậc, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “tốt”; từ năm 2015, xếp ở trong nhóm 10 cao nhất cả nước, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “rất tốt”. Đề án đã đề ra 10 giải pháp chung, 9 giải pháp cụ thể cho từng chỉ số và các hành động cụ thể của các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị.

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng nhấn mạnh: Việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh là việc làm thường xuyên, cần có sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp: Nâng cao nhận thực của các cấp lãnh đạo, công chức trong cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn công khai minh bạch, nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ tại bộ phận một cửa; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, thông tin cho doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; chú trọng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là đối với các dự án có tính động lực; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực hiện tốt đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp. Đặc biệt, phải làm tốt công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư tại chỗ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở của Đề án, đồng chí yêu cầu các sở, ngành của tỉnh tiếp tục đề ra những nhiệm vụ cụ thể để cải thiện các chỉ số thành phần, các doanh nghiệp trong tỉnh cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp tốt với các sở, ngành của tỉnh cải thiện môi trường đầu tư.

Vũ Thị Vân Anh – IPA Vinh Phuc