Vĩnh Phúc tham dự hội nghị tham tán thương mại 2016
Ngày 26/02/2016, Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc do đồng chí Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn cùng Lãnh đạo Sở Công thương, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đã tham dự Hội nghị Tham tán thương mại 2016 do Bộ Công thương tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Tham tán thương mại 2016 được tổ chức với mục đích quán triệt và triển khai ngay các chỉ đạo của Đại hội Đảng và Chính phủ đối với việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực; Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại nhằm góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trên thế giới; hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với các đối tác. Đồng thời cũng đẩy mạnh sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thông qua công tác thị trường nước ngoài để thực hiện mục tiêu chung do Chính phủ đề ra là phát triển kinh tế đất nước và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh với nước ngoài cũng như tăng cường công tác thương vụ, đảm bảo hiệu quả các hoạt động của công tác thương vụ nói chung và các tham tán thương mại nói riêng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các tham tán thương mại tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; trao đổi với các doanh nghiệp các giải pháp, góp phần cùng ngành công thương hoàn thành đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ mà ngành được giao.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã có bài phát biểu tóm tắt tình hình kinh tế trong nước trong năm 2015 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả khả quan, đồng thời đề xuất phương hướng trong công tác phối hợp giữa Bộ Kế hoạch đầu tư và các Thương vụ trong năm 2016. Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các Thương vụ trong hoạt động Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cũng như vai trò đầu mối nhằm bảo vệ tính hợp pháp, hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hoạt động kinh doanh tại các nước sở tại.
Tiếp theo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã có tham luận khẳng định Việt Nam đã và đang tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại như FTA, TPP với các nước và theo lộ trình sớm hơn các nước khác 5-7 năm. Đây được coi là thời điểm vàng cho Việt Nam để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ra các thị trường các nước. Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị các Thương vụ tham gia đưa ra các giải pháp giúp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có thể cải thiện phương thức kinh doanh, điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, giới thiệu cho Việt Nam những mô hình quản trị kinh doanh tốt nhất.
Đại diện cho khối Địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đã báo cáo tình hình kinh tế tỉnh Đồng Tháp nói chung và tình hình phát triển, giải pháp đầy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản nói riêng. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 40 doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản như gạo, cá tra,…tiến tới là Xoài sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp làm đại lý trung gian nên giá trị gia tăng chưa cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn các Thương vụ đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phương thức chia sẻ thông tin đến doanh nghiệp địa phương, tăng cường nguồn lực để tập trung tốt hơn cho hoạt động chuyên môn, chuyên sâu hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Đại diện các tham tán tham dự tại Hội nghị, Tham tán Phạm Quang Niệm phát biểu về những đổi mới trong công tác ngoại thương và vai trò của Thương vụ Việt Nam trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Tham tán nhấn mạnh Việt Nam đang tham gia thương mại tự do với khối Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Châu Á – Âu và Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam cần nghiên cứu ngành hàng, tận dụng lợi thế tiềm năng, thực hiện quảng bá, theo dõi thị trường theo từng Hiệp định, hỗ trợ trong tranh chấp thương mại, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần phải tranh thủ sự hỗ trợ, tiếp cận kỹ thuật sản xuất hiện đại góp phần tạo nên nền kinh tế trí thức, hội nhập sâu rộng ra thế giới. Tham tán khẳng định Thương vụ sẽ là đầu mối, cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường nước sở tại, theo dõi, giải quyết tranh chấp, đề cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi chuyên môn ngoại ngữ, đề xuất giải quyết phát sinh giữa Việt Nam và nước sở tại.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành công thương và đội ngũ tham tán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp rất quan trọng vào thành công chung của đất nước trong những năm qua, nhất là trong đẩy mạnh các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh công khai, minh bạch, hiệu quả. Thủ tướng đồng tình với báo cáo của Bộ Công thương và các bộ, ngành về công tác thị trường nước ngoài và nhiệm vụ và hoạt động của các thương vụ, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, tham luận của các hiệp hội ngành hàng về hoạt động xuất khẩu và công tác thị trường nước ngoài;…Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam hiện đang ký 14 Hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia trong đó có 15 nước thuộc G20, 17 nước thuộc G7,…cùng với đó là việc hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, tạo ra cơ hội mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thủ tướng tin tưởng rằng cùng với sự nỗ lực của ngành công thương, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về công tác thị trường nước ngoài, hệ thống cơ quan thương vụ sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực phát triển thương mại, sản xuất công nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cụ thể hóa các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong từng lĩnh vực, từng sản phẩm, nhằm khai thác tối đa cơ hội để phát triển, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu và cùng hành động.
Buổi chiều cùng ngày, trong Khuôn khổ chương trình Hội nghị Tham tán Thương mại 2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, cácTham tán thương mại đã có buổi gặp gỡ tiếp xúc với các doanh nghiệp khu vực miền Bắc. Buổi gặp gỡ với sự tham gia của trên 60 Tham tán Thương mại, Tùy viên phụ trách thương mại, Trưởng các Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài và hơn 300 doanh nghiệp các các tỉnh và thành phố phía Bắc.
Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong không khí cởi mở, thân thiện và đã đạt được mục tiêu đề ra nhằm kết nối các doanh nghiệp với các Tham tán Thương mại, góp phần vào thành công chung của Hội nghị Tham tán Thương mại 2016.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023