Vĩnh Phúc tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài
Trong thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực trong hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.
Thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 157-KH/TW ngày 08/11/2019 thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW trong đó đưa ra các mục đích, yêu cầu, mục tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho các cơ quan trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 12/3/2020, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 09/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục chủ động, quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó đưa ra 138 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho 38 Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 08/3/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài:
Căn cứ vào quy định của pháp luật và nhu cầu của địa phương, khi Luật Đầu tư năm 2020 được ban hành, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai tổng hợp danh mục các lĩnh vực, địa bàn hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, ban hành và công khai danh mục, đảm bảo tiêu chí không thu hút các dự án thuộc các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, các dự án có nguy cơ có nguy cơ ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh của địa phương và phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn:
Hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành rà soát, tổng hợp và đăng tải danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, môi trường, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và nước ngoài có thế mạnh trong các lĩnh vực này và có mong muốn đầu tư tại tỉnh cũng như đẩy mạnh đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa các lĩnh vực thường sử dụng vốn đầu tư công.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo các yếu tố về công nghệ sử dụng hiện đại, không thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường, ít tiêu hao năng lượng. Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh bao gồm: công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô xe máy và ngành công nghiệp điện tử, viễn thông; sản phẩm công nghệ cao như: sản xuất, lắp ráp các thiết bị tin học, điện tử, sản xuất phần mềm, tự động hóa…
Nhằm giải quyết triệt để nhu cầu về xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại, rác thải ở khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1942/QĐ-UBND ngày 14/8/2019 phê duyệt bộ tiêu chí yêu cầu đối với dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 2400/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 và số 443/QĐĐC-UBND ngày 04/10/2019 về việc phê duyệt bộ tiêu chí yêu cầu đối với Dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, tỉnh đã lựa chọn được 01 Nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí đề ra trong Bộ tiêu chí đã được phê duyệt và thực hiện Quyết định chủ trương đầu tư cho dự án.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục tổng hợp danh mục và xây dựng các bộ tiêu chí yêu cầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt hướng đến các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm đầu tư trong các lĩnh vực này với công nghệ tiên tiến, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về công nghệ, lao động, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường.
Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết:
Tỉnh Vĩnh Phúc không xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư riêng, vượt ưu đãi được luật pháp quy định. Ngoài việc thu hút các dự án đầu tư mới, tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng vào công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đã có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua việc hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho những nhà đầu tư này khi thực hiện mở rộng dự án đầu tư tại tỉnh. Đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và địa phương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên có những hoạt động biểu dương và vinh danh các doanh nghiệp này, nhất là các doanh nghiệp FDI lớn đã hoạt động tốt và lâu năm như Công ty Honda Việt Nam (Nhật Bản), Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (Nhật Bản), Tập đoàn Prime (Thái Lan)… Lãnh đạo tỉnh định kỳ tổ chức đối thoại làm việc trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp này nhằm nắm bắt những nhu cầu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.
Ban hành các chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ và quản trị cho Doanh nghiệp Việt Nam. Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới:
Tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiệm cận với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới thông qua việc ban hành Nghị quyết số 89/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 ‑ 2025 và Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 21/4/2020 của UBND tỉnh về việc quy định trình tự, thủ tục thực hiện Nghị quyết số 89/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đổi mới công nghệ; tăng cường năng lực nghiên cứu, thực hiện chuyển giao công nghệ; Các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu có hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng công nghệ, cải tiến công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh và các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh được hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án. Các dự án nhận chuyển giao công nghệ, liên kết với các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai triển khai trên địa bàn tỉnh, các dự án hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng được nhận các mức hỗ trợ phù hợp. Chính sách đươc ban hành nhằm khuyến khích và thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, tăng cường sự chủ động của các doanh nghiệp trong nước đối với việc thực hiện chuyển giao công nghệ.
Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm, công nghệ cao… các NĐT chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam:
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Chiến Lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu xây dựng dự thảo đề cương “Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Vĩnh Phúc”. Đến nay, đã lấy ý kiến các sở ngành, UBND các huyện, thành phố và một số tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; đã tổ chức hội thảo và hoàn thiện Đề cương, dự toán kinh phí xây dựng đề án để phê duyệt làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa FDI và DDI, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu:
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và bổ sung vào danh mục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đợt 1/202, được phê duyệt tại Quyết định số 2782/QĐ-CT ngày 13/11/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, Đề tài đang thực hiện bước khảo sát các doanh nghiệp thuộc đối tượng nghiên cứu của đề tài và đang đánh giá, phân tích kết quả khảo sát làm cơ sở đánh giá thực trạng, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đề tài sẽ là căn cứ để tham mưu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính sách về khuyến khích đối với doanh nghiệp FDI đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho người lao động Việt Nam; sử dụng lao động Việt Nam đã làm việc tu nghiệp tại các quốc gia tiên tiến:
Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Phấn đấu đến hết năm 2030 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có khả năng và tự tin sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 38/2017/QĐ-UBND ngày 06/10/2017 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với mức hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động chất lượng cao là người Vĩnh Phúc là 10 triệu đồng/người và hỗ trợ tuyển lao động là người Vĩnh Phúc và tiến hành đào tạo thành lao động chất lượng cao: 10 triệu đồng/người/khóa.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tổng hợp, nghiên cứu nhu cầu về số lượng và chất lương lao động của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài ngay từ khi cấp phép đầu tư. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo lao động kịp thời, đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có chính sách hỗ trợ cho lao động đi làm việc, tu nghiệp tại nước ngoài theo Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 6.301 bộ hồ sơ hoàn thiện đủ điều kiện chi trả hỗ trợ chi phí cho lao động đi xuất khẩu, với số tiền là 66.650,6 triệu đồng. Giai đoạn 2016-2020: đã thực hiện cho 1.165 hộ vay đi xuất khẩu lao động (trong đó: 22 hộ thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, 21 hộ thuộc diện hộ nghèo, 27 hộ thuộc diện dân tộc thiểu số, 1.095 hộ thuộc đối tượng hộ khác) với số tiền 80.743 triệu đồng, giải quyết việc làm được cho 1.173 lao động. Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chia theo thị trường như sau: Nhật Bản: 4.534 lao động chiếm 51,45% tổng số lao động xuất cảnh; Đài loan: 1.728 lao động chiếm 19,6% tổng số lao động xuất cảnh; Hàn Quốc: 427 lao động chiếm 4,84% tổng số lao động xuất cảnh; còn lại là các thị trường khác và lao động kỹ thuật đi thực tập kỹ thuật dưới 90 ngày. Tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh, dự kiến ban hành trong năm 2021.
Nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ:
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 về quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án về Hỗ trợ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 26/6/2020 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, tỉnh sẽ dành 135 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh; tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng; đảm bảo việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển:
Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, dự án đầu tư phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, có hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo các tài nguyên không tái tạo. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá làm phá vỡ quy hoạch, không thu hút các dự án có giá trị đầu tư thấp trên một đơn vị diện tích đất. Đối với các địa bàn có tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có hạ tầng kỹ thuật thuận lợi như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên, Vĩnh tường, Yên Lạc tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại. Đối với những địa bàn khó khăn hơn như Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương bên cạnh các dự án ưu tiên về phát triển du lịch, còn tạo điều kiện thu hút các dự án có sử dụng lao động phổ thông, đơn giản để góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội trong một thời gian nhất định. Tỉnh tập trung các dự án sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tránh lãng phí đất đai và phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch một số khu công nghiệp tập trung để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hoàn thiện thể chế, chính sách cho các khu kinh tế, khu công nghiệp… và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác:
Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang từng bước khai thác có hiệu quả về lợi thế vị trí cũng như những điều kiện về phát triển hạ tầng, đất đai cho phát triển công nghiệp. Các khu công nghiệp mới xây dựng được bố trí phát triển chủ yếu tập trung gần các đô thị lớn trong tỉnh, có các điều kiện về hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt nhất cho thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong thời gian tới. Từ đó, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp trong đó tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ phụ vụ phát triển công nghiệp.
Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31 ha. Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch đối với 02 KCN Khai Quang và KCN Đồng Sóc, đồng thời quyết định chủ trương đầu tư đối với 06 dự án đầu tư xây dựng các KCN (KCN Tam Dương I – Khu vực 2, KCN Nam Bình Xuyên, KCN Sông Lô I, KCN Sông Lô II, KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Khu vực II – giai đoạn 1), KCN Bá Thiện – Phân khu I. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp GCNĐKĐT với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.020,196 ha.
Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động cung cấp đầy đủ hạ tầng cho các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp cũng không ngừng được hoàn thiện theo quy hoạch, đảm bảo kết nối và đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư trong các khu công nghiệp, vừa tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, vừa tạo diện mạo mới, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh.
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, giúp tỉnh chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh