Thứ Năm, 22/10/2020 17:40:02 (GMT+7)

Vĩnh Phúc sẵn sàng thu hút đầu tư cho một nền giáo dục đào tạo chất lượng

Vĩnh Phúc có số lượng dân số trẻ, có truyền thống hiếu học và sẵn sàng đầu tư chi phí để được học tập tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao, các cơ sở giáo dục chất lượng cao này còn có khả năng thu hút học sinh, sinh viên trong khu vực và quốc tế.

Vĩnh Phúc sẵn sàng thu hút đầu tư cho một nền giáo dục đào tạo chất lượng

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Tọa đàm tại Diễn đàn

Theo thống kê, số du học sinh Vĩnh Phúc đang học tập và nghiên cứu tại nước ngoài đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các địa phương cấp huyện. Điều này cho thấy nhu cầu về việc xây dựng các chương trình giáo dục quốc tế có chất lượng cao tại Vĩnh Phúc là rất lớn.

Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngay từ khi tái lập tỉnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Vĩnh Phúc vẫn dành nguồn lực ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, lấy giáo dục đào tạo là mục tiêu, động lực để phát triển. Nhiều cơ chế chính sách lớn được tỉnh thực hiện như chuyển đổi 100% trường bán công sang công lập, mở rộng đất đai trường học, chính sách khen thưởng giáo viên giỏi, học sinh giỏi, chính sách về thu hút, bồi dưỡng đội ngũ… đã phát huy hiệu quả rõ rệt, chất lượng GDĐT của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và vững chắc, khẳng định được thế mạnh so với cả nước.

Mặc dù vậy, để phát triển hệ thống cơ sở giáo dục tư thục từ mầm non đến đại học một cách lành mạnh, hợp tác và đầu tư trong giáo dục có lẽ chính là giải pháp, là lối thoát ở tầm chính sách cho những vấn đề bất cập về giáo dục, từ quá tải sĩ số trường công ở các thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, đời sống giáo viên, hiện tượng lạm thu trường công, bạo lực học đường trường công, tinh giảm biên chế và ngân sách,… sẽ từng bước được giải quyết có hiệu quả

Tại hội nghị “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” do Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/10/2020 vừa qua, đã có rất nhiều chính sách về hợp tác và đầu tư trong giáo dục được giới thiệu; kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước tham gia và đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế trong giáo dục của Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 khách mời là đại diện lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số Sở GDĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số Tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán tại Việt Nam; đại diện các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; các cơ sở giáo dục có giảng dạy chương trình nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng tham gia và đóng góp ý kiến trao đổi tại diễn đàn.

Với việc tổ chức “Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục” để các địa phương và nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chia sẻ nhu cầu, những bài học kinh nghiệm về đầu tư vào giáo dục, tin tưởng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục do nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc được tiếp cận với những chính sách mới, hướng đi mới trong việc thu hút đầu tư cho giáo dục; xác định cụ thể những nhận định trong quá trình xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư về giáo dục, sự đồng hành của các nhà đầu tư tâm huyết và chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai và cung cấp các dịch vụ hạ tầng tốt nhất cho việc thành lập các cơ sở giáo dục mới; được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý để những mô hình đáp ứng thực tiễn giáo dục Việt Nam.

Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo để xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư chuyên đề cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư về giáo dục, đặc biệt là đầu tư xã hội hóa, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm giáo dục; Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế giám sát để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Trần Huyền Trang