Vĩnh Phúc: Quy hoạch đi trước một bước
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nội dung “phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỉ XXI”.
Để đạt được mục tiêu này, không chỉ trong nhiệm kỳ qua mà ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc đã đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và đưa công này đi trước một bước. Cụ thể là cùng với tập trung khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, triển khai một số dự án trọng điểm về giao thông, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tỉnh triển khai xây dựng quy hoạch chung đô thị mới Mê Linh, quy hoạch chung thành phố Vĩnh Yên, quy hoạch chung thị xã Phúc Yên, quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến tháng 10/2011, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1883 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện phía Bắc, phía Nam và phía Tây đô thị Vĩnh Phúc. Triển khai 15 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000; các quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang đô thị, các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu du lịch, khu công nghiệp và dịch vụ.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay, Vĩnh Phúc đã thực hiện phủ kín quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch phân khu cụ thể hoá quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc. Diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi rõ rệt, thành phố Vĩnh Yên được công nhận đô thị loại II năm 2014, thị xã Phúc Yên được nâng cấp thành thành phố năm 2018. Hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc hình thành theo quy hoạch, huyện Bình Xuyên bước đầu đạt các tiêu chí của đô thị loại IV; đến nay, toàn tỉnh có 109/112 xã, 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng bảo đảm sự đồng bộ và tính kế thừa giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực như: giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc…Tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng đều được tổ chức lập, thẩm định và trình phê duyệt bảo đảm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đều có ý kiến tham vấn của các tổ chức, cá nhân về hoạt động quy hoạch xây dựng, ý kiến của cộng đồng dân cư trong phạm vi lập quy hoạch.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng các đồ án quy hoạch, công tác lựa chọn đơn vị tư vấn được quan tâm thông qua hình thức đấu thầu hoặc thông qua thi tuyển quy hoạch bảo đảm tính cạnh tranh và chất lượng tư vấn. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao. Việc ban hành và phân cấp quy định quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh tạo công cụ quản lý hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo giữa cơ quan quản lý. Công tác triển khai hiện quy hoạch xây dựng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, bộ mặt đô thị tại các địa phương được cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, từng bước hình thành đô thị Vĩnh Phúc theo đúng quy hoạch.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.
Để đạt được mục tiêu này, cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, triển khai thực hiện tốt các đồ án quy hoạch. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc để tích hợp vào Quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc theo quy định của Luật Quy hoạch; chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc, chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tập trung triển khai các dự án trọng điểm, dự án lớn có khả năng tạo động lực phát triển kinh tế, có sức lan tỏa lớn như: dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, hạ tầng xã hội trọng điểm và hạ tầng các khu sản xuất công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ; đầu tư xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, nông thôn; nâng cao chất lượng kiến trúc cảnh quan đô thị, hướng đến đô thị hiện đại, văn minh. Cùng với đó, phân bổ và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công, trong đó, ưu tiên thực hiện các dự án trọng điểm theo danh mục đã được xác định; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ; khai thác, huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình thiết yếu, quan trọng của tỉnh.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023