Vĩnh Phúc phát triển sản phẩm du lịch MICE
Hai năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch của cả nước trong đó có Vĩnh Phúc. Để phục hồi và đưa ngành du lịch phát triển trở lại, Vĩnh Phúc đang triển khai các giải pháp mở cửa hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện) và phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Nhiều lợi thế phát triển sản phẩm du lịch MICE
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Bắc, Vĩnh Phúc có 3 vùng sinh thái: miền núi, trung du và đồng bằng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đa dạng, đặc biệt có khu du lịch Tam Đảo, khu thắng cảnh Tây Thiên – điểm nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh lý tưởng.
Bên cạnh đó, những chính sách thu hút đầu tư nổi bật của tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhiều công trình hạ tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; các trung tâm hội nghị tầm cỡ quốc tế được hình thành và phát triển như: Flamingo Đải Lải Resort, FLC Vĩnh Phúc Resort (Trung tâm tổ chức hội nghị quốc tế FLC vừa mới khai trương tháng 12/2021 và đi vào hoạt động), Sông Hồng resort; Khách sạn Dic Star, Khách sạn Westlake, hệ thống khách sạn – nhà hàng – sân gôn của Công ty Lạc Hồng, sân gôn Tam Đảo, sân golf đầm Vạc, sân golf Thanh Lanh…
Hệ thống cơ sở lưu trú của Vĩnh Phúc rất phong phú phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Tính đến 30/10/2021, trên địa bàn tỉnh có 517 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 48 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 435 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2009. Vĩnh Phúc được đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện lớn tầm quốc gia, quốc tế như: Giải Bóng chuyền hạng A quốc gia – Cúp FLC năm 2021; giải vô địch cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2021, giải vô địch MUAY toàn quốc năm 2020, Seagame 31…
Du khách tham quan tại Khu du lịch Thanh Lanh, Nam Tam Đảo
Những giá trị nổi bật của cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cùng với những chính sách được ban hành phù hợp, kịp thời và sự thân thiện của người dân đã giúp ngành du lịch, dịch vụ Vĩnh Phúc có những những bước phát triển đột phá. Nhiều công ty lữ hành đã chọn các khu nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc như Flamingo Đại Lải Resort, Sông Hồng Resort, FLC Luxury resort Vĩnh Phúc, các khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn của Lạc Hồng, Dicstar, West Lake làm tour nghỉ dưỡng cuối tuần và tổ chức du lịch MICE – loại hình du lịch được đánh giá mang lại giá trị doanh thu cao gấp nhiều lần du lịch thông thường.
Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế song việc thu hút khách du lịch MICE đến Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên nhân là phát triển du lịch MICE còn mang tính tự phát, chưa có cơ quan đầu mối chuyên về hội nghị, hội thảo để khai thác, phát triển du lịch MICE một cách bền vững, bài bản. Sản phẩm du lịch đặc thù của Vĩnh Phúc chưa gây được ấn tượng và thu hút được du khách. Nhiều làng nghề truyền thống như: gốm Hương Canh, đá Hải Lựu, mây tre đan Triệu Đề…gặp khó khăn trong quá trình bảo tồn, duy trì và phát triển. Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nói chung, du lịch MICE nói riêng còn thiếu và yếu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh còn thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch MICE Vĩnh Phúc
Trao đổi với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước tại Chương trình thúc đẩy du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và hội thảo phát triển du lịch MICE Vĩnh Phúc mới đây được tổ chức tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư hợp tác kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng. Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo ngành Văn hóa, thể thao du lịch Vĩnh Phúc luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch dịch vụ đến liên kết hợp tác với Vĩnh Phúc.
Để phát triển du lịch MICE Vĩnh Phúc, thời gian tới, theo lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh tiếp tục có các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khách sạn có quy mô lớn tại Vĩnh Phúc. Triển khai thực hiện đề án xây dựng các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn trong toàn tỉnh, tập trung tại các điểm tham quan du lịch, các khu vực tập trung đông người. Phát huy vai trò tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm của các công trình hiện có như Trung tâm Hội nghị tỉnh, Nhà hát tỉnh. Cùng với đó, tăng cường quảng bá, tiếp thị du lịch; xây dựng kế hoạch quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng của tỉnh tới doanh nghiệp để thúc đẩy mục tiêu đưa Vĩnh Phúc là điểm đến hấp dẫn của du lịch MICE phát triển cho từng giai đoạn cụ thể. Tổ chức các đoàn công tác tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu tại các nước trong khu vực quảng bá du lịch; MICE thành công như: Singarpore, Thailand; quảng bá có chọn lọc, sâu rộng, chuyên nghiệp và hiệu quả về hình ảnh, văn hóa, di sản của địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch MICE Vĩnh Phúc.
Do thị trường MICE có tính chất khác biệt so với các thị trường thông thường nên cần có nhà tổ chức chuyên nghiệp và được quản lý tách biệt với những sản phẩm du lịch khác. Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch xây dựng các chiến lược marketing, quảng bá, giới thiệu dịch vụ cho khách MICE.
Hội thảo thúc đẩy phát triển du lịch MICE diễn ra mới đây tại Vĩnh Phúc với sự tham gia hơn 100 đại biểu
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh trên cơ sở xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, tham quan làng nghề, làng quê, mua sắm, phục vụ nhu cầu giải trí cho du khách; khai thác thế mạnh của từng địa phương và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho các đơn vị tổ chức và đội ngũ phục vụ đối tượng khách du lịch MICE; đặt ra chiến lược cụ thể, từng giai đoạn cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch MICE; xây dựng những chương trình hành động cụ thể về trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết đào tạo học viên kỹ thuật… với các địa phương có du lịch MICE phát triển.
Vĩnh Phúc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch MICE cũng được tỉnh xác định là một trong 4 trụ cột chính, cùng với các loại hình du lịch văn hóa, thể thao và sinh thái. Để phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương; tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Vĩnh Phúc hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023