Thứ Hai, 04/02/2013 22:07:10 (GMT+7)

Vĩnh Phúc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Trong tình cảnh suy thoái kinh tế, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhờ đó năm 2012, một số chỉ tiêu PCI của tỉnh như: chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian để thực hiện quy định của Nhà nước và chỉ tiêu về hỗ trợ doanh nghiệp… được xếp hạng cao.

Vĩnh Phúc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Haesung Vina (Công ty vệ tinh của Hãng điện thoại Sam Sung Việt Nam) là một trong số không nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến hành mở rộng dự án trong điều kiện nhiều khó khăn bủa vây từ đầu năm đến nay. Việc công ty đầu tư thêm một nhà máy sản xuất tại Vĩnh Phúc một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại địa phương có nền sản xuất công nghiệp dẫn đầu các tỉnh phía bắc này. Con số 19 dự án đầu tư trong 9 tháng năm 2012 dù không lớn, nhưng không thể không ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc trong việc xúc tiến đẩy mạnh thu hút đầu tư. Kết quả này cũng cho thấy, trong năm 2012, dù tụt bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Vĩnh Phúc vẫn có 4 chỉ tiêu PCI được xếp hạng cao như: chỉ tiêu chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian để thực hiện quy định của Nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là những thế mạnh tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung phát huy thông qua các kênh thông tin tuyên truyền, các buổi tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi đồng thời với việc triển khai các giải pháp khắc phục các chỉ tiêu tụt giảm. Trong năm qua, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành chức năng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Đề án, kế hoạch đề ra, chung tay góp sức cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, sáng tạo trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thực tế, để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả điều hành của cả bộ máy chính quyền các cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài phải kiên trì thực hiện. UBND tỉnh cũng thành lập Ban Giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất; tổ chức công bố quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; quy hoạch ngành, lĩnh vực; quy hoạch phát triển KT – XH và Quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh thi công kết cấu hạ tầng giao thông; ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại những thị trường tiềm năng và truyền thống. Mặt khác, Vĩnh Phúc cũng chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với những bước đi đột phá như xây dựng thành công mô hình “Một cửa và một cửa liên thông hiện đại” giúp doanh nghiệp và người dân tiết giảm tối đa thời gian, công sức, tạo sự công khai, minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước; chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính và loại bỏ, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập và chính thức hoạt động Ban xúc tiến đầu tư trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

Trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp mặt, động viên doanh nghiệp; lắng nghe và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách, kế hoạch cụ thể về hỗ trợ vốn đầu tư; miễn, giảm, giãn thuế; hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng; giúp doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đã được triển khai hiệu quả. Tỉnh cũng đã thành lập nguồn quỹ phát triển doanh nghiệp nhằm giúp đỡ về vốn, quỹ bảo lãnh tín dụng nhằm phòng tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm những công trình kết cấu hạ tầng then chốt; tăng cường huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT – XH theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Trưởng Ban xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tiến Hạnh cho biết: thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng đã có nhiều chuyến xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh. Một trong những hoạt động đó là việc nhanh chóng tiếp cận, trao đổi thông tin với lãnh đạo tỉnh AiChi, Nhật Bản để thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc; đồng thời đặt vấn đề thành lập văn phòng của Vĩnh Phúc tại tỉnh AiChi để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi muốn đầu tư tại Vĩnh Phúc. Và một tín hiệu đáng mừng cho các hoạt động xúc tiến thương mại nói trên là mới đây, đoàn doanh nghiệp thành phố Chicago, Hoa Kỳ; đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, Tập đoàn Citilum – Pháp, đoàn doanh nghiệp Italy đã sang thăm và làm việc nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, hoạt động có hiệu quả, tỉnh Vĩnh Phúc xác định, cần tập trung hơn nữa, triển khai đồng bộ các giải pháp  nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Theo đó, 6 nhóm giải pháp được đưa ra thực hiện trong thời gian tới là: triển khai đồng bộ các giải pháp nghiên cứu, đánh giá lại môi trường, chính sách thu hút đầu tư. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến liên kết các khu công nghiệp; hệ thống cấp nước, thoát nước; hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp. Tập trung đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm và kịp thời các khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo, đánh giá đúng tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập: đăng ký lao động, nộp thuế, hải quan, các văn bản pháp luật mới của Nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, quảng bá thương hiệu, đào tạo lao động; tăng cường xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Theo: Hải Nguyệt (daibieunhandan.vn)