Thứ Sáu, 09/10/2020 18:47:31 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Nhiều đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Với vị trí địa lý thuận lợi, các cơ chế, chính sách thông thoáng, những năm qua, Vĩnh Phúc tiếp tục là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư, có ngành công nghiệp phát triển, đứng thứ 12 về tỷ lệ doanh nghiệp trên bình quân đầu người và nằm trong top 20 tỉnh, thành có số doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Thu hút vốn đầu tư vượt xa mục tiêu

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt ra 19 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, trong đó có mục tiêu thu hút mới 1,3-1,5 tỷ USD vốn đầu tư  FDI và 14.000-15.000 tỷ đồng vốn DDI; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 61,5% trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 31,4%, nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 7,1%.

Để đạt được các mục tiêu này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuối năm 2016, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01 và UBND tỉnh ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 57 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị quyết số 45 về một số biện pháp hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021.

Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh quy hoạch 50 khu, cụm công nghiệp, diện tích trên 5.897ha nằm dọc các trục quốc lộ, thuận lợi về giao thông. Cùng với đó, phê duyệt danh mục 79 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, du lịch – dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm về thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục; vận hành tốt Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện, bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển theo phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”.

Trong công tác xúc tiến đầu tư, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư cụ thể, chi tiết theo từng năm; thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư. Hằng năm, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn đều tham dự các hội nghị, diễn đàn, lễ ký kết, các buổi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài do các bộ, ngành tổ chức để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng, kết nối với các tổ chức nước ngoài; tổ chức hiệu quả các chuyến xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, làm tốt các hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư tại thị trường các nước truyền thống và hướng đến thị trường các nước, khu vực có thế mạnh về khoa học công nghệ như: Hoa Kỳ, Thụy Điển, Italia, Australia….

Đặc biệt xác định doanh nghiệp là động lực cho phát triển, là đối tượng phục vụ, 5 năm qua, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; đầu tư hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp; tăng cường đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp nhằm nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Nhờ “mạnh tay” trong cải thiện môi trường đầu tư, từ năm 2011 đến nay, Vĩnh Phúc thu hút được 383 dự án FDI mới, điều chỉnh tăng vốn 279 lượt dự án, với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 4,486 tỷ USD; cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 396 dự án và điều chỉnh tăng vốn 108 lượt dự án DDI, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 81.450 tỷ đồng. Trong đó, riêng giai đoạn 2015-2020 thu hút được 3,12 tỷ USD vốn đầu tư các dự án FDI, trên 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư các dự án DDI, cao gấp hơn 4 lần về thu hút vốn DDI và cao gấp 2,1 lần về thu hút vốn FDI so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Lũy kế đến hết tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh có 1.145 dự án đầu tư, gồm 447 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 6,039 tỷ USD; 796 dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 96.560 tỷ đồng. Các dự án đầu tư FDI đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy, cơ khí, trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với 207 dự án, tổng vốn đầu tư 2,207 tỷ USD. Tiếp đến là Nhật Bản 47 dự án, tổng vốn đầu tư 1,169 tỷ đồng; Đài Loan 37 dự án, vốn đầu tư trên 943 triệu USD. Đối với các dự án DDI, giai đoạn 2011-2020, Vĩnh Phúc thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Theo báo cáo kết quả thu hút đầu tư giai đoạn 2011-2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì đầu tư trực tiếp đóng góp ngày càng lớn vào nguồn vốn đầu tư xã hội và là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng thu ngân sách của tỉnh. Ước tính giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI đạt 2,66 tỷ USD; các dự án DDI khoảng 27.122,6 tỷ đồng, chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh, tương đương với 261,56 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, các dự án đầu tư trực tiếp đã đóng góp trên 75% vào giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% cho thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho khoảng 137.000 lao động, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt xấp xỉ 7,1%/năm.

Công nghiệp – động lực cho phát triển kinh tế

Từ quan điểm: “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ – du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực; ban hành và điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với từng giai đoạn. Cùng với đó, chủ động về quỹ đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn, đào tạo và tuyển lao động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng, có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp như: áp dụng mức thuế suất thuê thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, sản xuất vật liệu composite, vật liệu quý hiếm; áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong thời gian 10 năm đối với những dự án sản xuất thép cao cấp, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hay tùy theo ngành nghề, dự án, các doanh nghiệp có thể được áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 đến 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo. Thực hiện miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt bằng cho một số trường hợp.

Việc thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc và có những chính sách trợ lực kịp thời đã giúp Vĩnh Phúc vượt xa chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp. Đến hết tháng 8/2020, toàn tỉnh có gần 13.000 doanh nghiệp, tăng 3.000 doanh nghiệp so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; 17/32 cụm công nghiệp được hình thành, tổng diện tích trên 358ha; 8/12 khu công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng đi vào hoạt động, gồm: Khu công nghiệp Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên, Bình Xuyên II và Thăng Long Vĩnh Phúc. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 63%, trong đó, khu công nghiệp Bình Xuyên, Kim Hoa, Bình Xuyên II, giai đoạn 1 đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; khu công nghiệp Khai Quang có tỷ lệ lấp đầy 98% và khu Bình Xuyên 85%. Sự lớn mạnh và tinh thần chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong ngót 9 tháng gồng mình thực hiện nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh” đã giúp sản xuất công nghiệp duy trì được tăng trưởng ổn định và khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đưa kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Dự kiến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp –dịch vụ chiếm 86,5%, tăng 3,7% so với năm 2015; ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản chiếm 6,8%, giảm 3,7% so với năm 2015.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp – xây dựng đạt 12,15%/năm, tăng gần gấp đôi so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra và luôn cao hơn mức tăng trưởng kinh tế, chiếm tới 65% điểm phần trăm tăng trưởng chung của tỉnh. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành công nghiệp và chiếm 4,5% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, trong đó, sản xuất linh kiện điện tử chiếm gần 48% giá trị sản xuất công nghiệp và dẫn đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Công nghiệp hỗ trợ được hình thành, phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo và điện tử – tin học, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đưa tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước/GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 30,38%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Nỗ lực cho những mục tiêu mới

Đề án phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và của cả nước; đẩy mạnh phát triển lợi thế sản xuất, kinh doanh của từng vùng, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục. Phấn đấu mỗi năm thu hút được khoảng 400-500 triệu USD vốn đầu tư từ các dự án FDI, từ 5.000-6.000 tỷ đồng vốn đầu tư các dự án DDI; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5-9,0%/năm; năm 2025, công nghiệp và xây dựng chiếm 61,5-62%, dịch vụ chiếm 32-32,5% và nông- lâm, ngư nghiệp chiếm 6,0-6,5%…

Để đạt được các mục tiêu này, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tạo mọi thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Tăng cường đổi mới hoạt động thu hút đầu tư, bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật; ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế và các dự án đầu tư vào ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục – đào tạo.

Cùng với đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, xây dựng nằm chủ yếu trên địa bàn thành phố Phúc Yên và các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Hình thành các trục công nghiệp dọc theo các các tuyến giao thông trọng điểm gồm: Trục công nghiệp dọc theo hành lang các tuyến Quốc lộ 2; trục công nghiệp Bắc – Nam dọc theo hành lang đường 310; trục công nghiệp theo hướng Bắc – Nam dọc theo Quốc lộ 2C và trục công nghiệp gắn với đường cao tốc xuyên Á (Hà Nội – Lào Cai). Kêu gọi các dự án đầu tư công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, sản xuất bao bì xuất khẩu…tại khu vực huyện Sông Lô, huyện Lập Thạch.

Trong giai đoạn 2020-2025, Vĩnh Phúc sẽ xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Tiếp tục duy trì thị trường các nước truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời mở rộng hoạt động xúc tiến đầu vào các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh…Đối với công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Định kỳ hằng năm tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh hoặc các tỉnh, thành khác; duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng, trong đó, mọi thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động đầu tư sẽ đơn giản, gọn nhẹ, không làm tăng chi phí cho nhà đầu tư.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn