Vĩnh Phúc: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI
Với các giải pháp tích cực, chủ động, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tại một diễn đàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài mới đây, ông Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Vĩnh Phúc “đang phấn đấu có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp vào năm 2015” và luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư.
Ngoài các ưu đãi theo quy định chung của Chính phủ Việt Nam, khi đầu tư vào Vĩnh Phúc, nhà đầu tư nước ngoài còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư do tỉnh ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ đào tạo nghề và tuyển dụng lao động…, thời hạn giải quyết hồ sơ được rút ngắn chỉ còn 1/3 so với quy định chung.
Sau khi tụt hạng nhiều trong bảng sếp hạng năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh(PCI) do VCCI công bố, Vĩnh Phúc đã xây dựng và triển khai Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên địa bàn (hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ). Năm 2013, PCI Vĩnh phúc đã tăng 17 bậc, xếp thứ 26 trong bảng xếp hạng.
Ông Vọng cho biết thêm, Vĩnh Phúc cam kết sẽ tiếp tục cải thiện các điều kiện về thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực…, nhằm tạo lập môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và thông thoáng để các nhà đầu tư tham gia đầu tư và thực hiện thành công các dự án.
Tính đến hết ngày 20/6/2014, tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 158 dự án, trong đó: 107 dự án trong KCN, 51 dự án ngoài KCN. Như vậy, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 159,4 triệu USD đạt 106,4% so với kế hoạch năm (150 triệu USD). Lũy kế đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 158 Dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký 2.907,9 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư, với các dự án có quy mô lớn, chủ yếu là Hàn Quốc; xuất hiện thêm các nhà đầu tư đến từ Châu Âu (Hà Lan, Pháp). Trong số 18 dự án FDI cấp mới trong 6 tháng đầu năm, có 13/18 dự án có vốn đầu tư Hàn Quốc, chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử.
Để giải quyết khâu mặt bằng thuê đất cho DN FDI, ngoài các KCN đang hoạt động tốt và tỷ lệ lấp đầy cao, Vĩnh phúc đang chú trọng xúc tiến đầu tư vào KCN Bá Thiện. Hiện, UBND tỉnh đã giao BQL các KCN Vĩnh Phúc quản lý hạ tầng KCN Bá Thiện, mức giá cho thuê hạ tầng KCN Bá Thiện hợp lý, tạo được lợi thế cạnh tranh với các KCN ở các tỉnh thành lân cận, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Đến thời điểm hiện nay, đã có 07 Nhà đầu tư ký Biên bản thỏa thuận thuê hạ tầng KCN Bá Thiện, trong đó đã cấp GCNĐT cho 5/7 dự án. Dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ thu hút thêm một số Nhà đầu tư mới vào KCN này.
Để đẩy nhanh các dự án FDI tại địa phương, trong thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác hậu kiểm, tập trung rà soát tiến độ triển khai của các dự án FDI, đôn đốc bằng văn bản đối với các dự án chậm triển khai, các dự án không có khả năng triển khai đang làm thủ tục giải thể doanh nghiệp trước thời hạn; kịp thời giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của doanh nghiệp; đối với các vấn đề chưa được pháp luật chuyên ngành quy định rõ. Tỉnh cũng kịp thời có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công thương để trả lời doanh nghiệp; cho phép một số dự án khó khăn về tài chính tiếp tục được giãn tiến độ triển khai dự án; cho phép một số dự án tạm ngừng hoạt động để khắc phục khó khăn.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường đầu ra đối với một số ngành nghề đang thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện tháo gỡ cho phép doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh phù hợp. Tính đến 20/6/2014, tỉnh đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 06 doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh (trong đó có 03 doanh nghiệp bổ sung các hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; 03 doanh nghiệp bổ sung hoạt động cho thuê lại nhà xưởng dư thừa).
Đánh giá chung về môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đều cho rằng, họ đã và đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Vĩnh Phúc, dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn tiếp diễn. Theo họ, những yếu tố “được” của môi trường đầu tư – kinh doanh ở Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung chính là sự ổn định về xã hội – chính trị, dễ tuyển dụng lao động và quy mô thị trường gia tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản đã lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân, vì họ nhận thấy đây là tỉnh có nền công nghiệp phát triển và có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, nhất là đối với lĩnh vực công nhiệp phụ trợ; có nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng phát triển. Chính vì vậy, 100% dự án đầu tư của Nhật Bản vào Vĩnh Phúc được đánh giá là rất thành công.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023