Thứ Ba, 11/04/2023 20:02:36 (GMT+7)

Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022

Sáng 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh năm 2022.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; bà Aler Grubbs – Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công trao Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022.

Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố.

Kể từ khi triển khai vào năm 2005 tới nay, đã có hơn 170 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2022, báo cáo PCI được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 11.870 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Quang cảnh lễ công bố.

Báo cáo đã cho thấy, điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI năm 2022 là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ sáu liên tiếp.

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực. Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm từ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI năm 2016. Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy nhiều điểm hạn chế trong việc thực hiện thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực như thuế/phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng. Tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Kết quả PCI năm 2022 ghi nhận, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí quán quân năm thứ sáu liên tiếp. Tỉnh Bắc Giang đã có tiến bộ vượt bậc để xếp ở vị trí thứ 2. Thành phố Hải Phòng vẫn duy trì hoạt động cải cách hành chính ở vị trí thứ 3.

Tỉnh Vĩnh Phúc đạt 68,91 điểm, xếp vị trí thứ 8 về chỉ số PCI và thứ 9 về chỉ số PGI. Trong các chỉ số thành phần PCI, Vĩnh Phúc nổi bật ở vị trí thứ 4 cả nước với chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Mặc dù từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng, chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, lấy sự ổn định và thuận lợi của môi trường kinh doanh bù đắp cho những bất ổn của thị trường thế giới”.

Vĩnh Phúc nằm trong top các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Cũng trong báo cáo PCI năm 2022, lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn thực tiễn kinh doanh như: Mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Kết quả năm đầu tiên cho thấy, ba tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số xanh là: Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh.

Bằng việc xây dựng và công bố chỉ số xanh cùng với chỉ số PCI, VCCI và USAID mong muốn, chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam sẽ quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường.

Qua thông tin về các chỉ số, sẽ cung cấp kịp thời và hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong việc hoạch định chính sách thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững và xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Theo baovinhphuc.vn