Vĩnh Phúc – Điểm sáng trong thu hút phát triển công nghiệp
Trong những năm qua, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương luôn quan tâm đến đầu tư quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ và hiện đại; cùng với đó ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư. Nhờ vậy, những năm trở lại đây, các doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn chọn Vĩnh Phúc làm “bến đỗ” không ngừng gia tăng, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án FDI, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Sau khi tách tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH trong điều kiện chồng chất khó khăn. Với xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới 52,54% giá trị GDP, công nghiệp chiếm 12,86%; thu ngân sách dưới 100 tỷ đồng, phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương; dịch vụ chậm phát triển, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, thiếu thốn… Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã lựa chọn hướng đi đúng, lấy công nghiệp làm mũi nhọn, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư.
Tỉnh luôn chú trọng đến công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, KCN, cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị, thông tin – viễn thông, điện, nước, quỹ đất sạch sẵn có… khá đồng bộ và từng bước hiện đại; chú trọng phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng thủ đô, để phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng của toàn vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo điều kiện rất thuận lợi trong vận chuyển, đi lại;… đảm bảo đầy đủ các yêu cầu cho nhà đầu tư khi đến Vĩnh Phúc.
Không chỉ tập trung vào đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, thời gian qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên địa bàn;… Đặc biệt, UBND tỉnh đã hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt xong các dự án: Quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH đến năm 2020; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch chung đô thị thành phố Vĩnh Phúc đến năm 2030; quy hoạch chi tiết các phân khu…, đảm bảo cơ sở vững chắc trong triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và thực hiện đầu tư theo quy hoạch. Tỉnh luôn coi trọng công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến đầu tư tại chỗ. Trong xúc tiến đầu tư đã có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu và hướng vào các thị trường lớn, tiềm năng như: Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm kêu gọi đầu tư vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao.
Với môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước, đến nay, sau gần 2 thập kỷ duy trì các chính sách thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã phát triển, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ô tô, xe máy của cả nước, thu hút rất nhiều nhà đầu tư, Tập đoàn hàng đầu thế giới đến đầu tư và rất thành công; điển hình như các công ty: Toyta Việt Nam, Honda Việt Nam; Công ty Piaggio Việt Nam… Trong những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động, sản xuất kinh doanh do những chính sách hỗ trợ tích cực của tỉnh và “Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”. Do vậy, số nhà đầu tư ở khắp mọi miền đã chọn Vĩnh Phúc làm bến đỗ, với số lượng dự án, vốn đăng ký đầu tư ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6 năm 2015, Vĩnh Phúc đã thu hút được 785 dự án, gồm 193 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 3 tỷ USD và 592 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 43 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội: Trong giai đoạn (2006 – 2010) thu hút các dự án FDI chiếm 18,41%; giai đoạn (2011 – 2015) chiếm 18,19%. Các dự án FDI đóng góp vào GDP tăng dần theo từng giai đoạn; (2001 – 2005) chiếm 30,84%/năm; (2006 – 2010) chiếm 41,14%/năm; (2011 – 2015) chiếm 47,51%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước; chiếm trên 80 % giá trị sản xuất công nghiệp và từ 80 – 85% thu NSNN; 85 – 90% giá trị xuất khẩu; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động (năm 2000: Cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 85,7%; công nghiệp – xây dựng 6,5%; dịch vụ 7,8%; đến năm 2014, cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 37,2%; công nghiệp – xây dựng 27,8%; dịch vụ 35%).
Nhận định về xu hướng thu hút đầu tư thời gian tới, đồng chí Nguyễn Kim Khải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, theo hướng bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô – xe máy, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ du lịch và thương mại của cả nước. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó, xác định thu hút FDI có vai trò quan trọng giúp nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hiện đại hóa nền kinh tế, tăng thu ngân sách và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Đồng thời, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh theo hướng chọn lọc hơn. Tỉnh sẽ nghiên cứu để ban hành định hướng mang tính chiến lược với các chương trình và đề án cụ thể, thiết thực, nhằm khai thác lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đáp ứng yêu cầu tăng tốc đối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng. Tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lấy công nghiệp phụ trợ là khâu đột phá để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Vĩnh Phúc trong quá trình CNH, HĐH. Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chế tạo thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có suất đầu tư lớn, sử dụng đất đai, lao động có hiệu quả, có nhiều sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là ô tô, xe máy. Khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao du lịch sinh thái, dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, siêu thị, trung tâm thương mại… với quy mô lớn, hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên phát triển các khu công nghiệp và bố trí các dự án công nghiệp vào các KCN, hạn chế tối đa phát triển các dự án công nghiệp ngoài các KCN. Tiếp tục coi trọng và tập trung thu hút các trường và đối tác đầu tư có mối quan hệ lâu dài với Vĩnh Phúc như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, mở rộng thu hút FDI từ các nước có nền công nghiệp phát triển khác và các Tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới.
Hy vọng rằng, với những định hướng mang tính đột phá, những bước đi phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý kinh tế, tài nguyên và con người của tỉnh, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục trở thành điểm đến đáng tin cậy đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Các tin khác:
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao