Vĩnh Phúc – Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Với 20 khu công nghiệp (KCN) có tổng diện tích 6.038 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa vào danh mục phát triển KCN cả nước đến năm 2020 cùng với môi trường đầu tư thông thoáng… Vĩnh Phúc hội đủ mọi điều kiện, yếu tố của một điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực tế đã minh chứng bằng những con số ấn tượng: Năm 2013, thu hút đầu tư lĩnh vực FDI tăng 2,5 lần về số dự án và bằng 2,06 lần về vốn đầu tư đăng ký; thu hút DDI tuy chỉ bằng 95% về số dự án nhưng đạt gấp 3,3 lần về vốn đầu tư đăng ký so với năm 2012. Để bạn đọc có thêm những thông tin về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Kim Khải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng chí cho biết tiềm năng và lợi thế của Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư?
Như chúng ta đã biết, Vĩnh Phúc sở hữu những tiềm năng và lợi thế rất thuận lợi trong thu hút đầu tư, đó là: Vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên; Tuyên Quang; Phú Thọ. Thuộc 3 vùng quy hoạch là Đồng bằng Sông Hồng, kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô; nằm trên trục giao thông đồng bộ giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy quốc gia, đặc biệt liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nên có nhiều lợi thế trong liên kết, giao thương hàng hoá, công nghệ, lao động kỹ thuật… Điều kiện khí hậu và địa chất được thiên nhiên ưu đãi; với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và hàng trăm di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, rất phù hợp cho phát triển công nghiệp, du lịch dịch vụ và đô thị.
Nguồn nhân lực của tỉnh khá dồi dào và chất lượng ngày càng được cải thiện, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp nhân lực cho phát triển công nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 20 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, sẵn sàng cung cấp lao động cho doanh nghiệp trên địa bàn cũng như cả khu vực.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn có những thuận lợi khác như: Là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về giải quyết TTHC về đầu tư theo cơ chế “Một cửa liên thông”, giảm thời gian giải quyết từ 1/3 đến một nửa so quy định. Tỉnh có cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ BT-GPMB tạo quỹ đất sẵn giao cho nhà đầu tư; có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư triển khai các dự án; các quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, quy hoạch chi tiết các phân khu đã hoàn thành, đảm bảo đầu tư phát triển bền vững…
Phát huy những lợi thế trên, Vĩnh Phúc làm gì để trở thành “điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”, thưa đồng chí?
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn rất coi trọng vấn đề phát huy các lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư, nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển KT-XH. Thời gian qua, tỉnh đã hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt xong các dự án: Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch chung đô thị thành phố Vĩnh Phúc đến năm 2030; quy hoạch chi tiết các phân khu… đảm bảo cơ sở vững chắc trong triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và thực hiện đầu tư theo quy hoạch.
Đồng thời, tỉnh đã không chỉ tập trung vào đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu mà còn tập trung đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và triển khai đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên địa bàn… Nhờ vậy, trong những năm qua, tỉnh luôn duy trì được môi trường đầu tư hấp dẫn, được coi là điểm đến thành công của các nhà đầu tư; đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có giá trị thương hiệu toàn cầu đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư tại tỉnh, tiêu biểu như: Toyota, Honda, Piaggio… Lũy kế đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã thu hút được 675 dự án còn hiệu lực, gồm: 137 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2.767,6 triệu USD và 538 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 31.727 tỷ đồng; tỷ lệ vốn thực hiện khu vực FDI ước đạt 46% vốn đăng ký, khu vực DDI ước đạt 42,8% vốn đăng ký, đã đóng góp rất tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian qua.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây?
Trong những năm qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho lớn (nhất là năm 2012); xếp hạng chỉ số PCI của Vĩnh Phúc có sự sụt giảm qua các năm (năm 2010, 2011, 2012 lần lượt xếp thứ 15, 17 và 43)… đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh, nhất là năm 2011, thu hút đầu tư khu vực FDI chỉ bằng 60% về số dự án và bằng 24,6% về số vốn đầu tư đăng ký so với năm 2010; thu hút DDI chỉ bằng 25,8% về số dự án và 23,6% về số vốn đầu tư đăng ký so với năm 2010.
Bước sang năm 2012, tình hình thu hút đầu tư đã có chuyển biến so với năm 2011, tuy nhiên, thu hút số dự án DDI vẫn còn gặp khó khăn, cụ thể: Thu hút FDI đạt 100% về số dự án và bằng 245% về số vốn đầu tư đăng ký; thu hút DDI tuy chỉ bằng 55% về số dự án nhưng đã vượt 10% về số vốn đầu tư đăng ký. Đến năm 2013, với sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nhìn chung, kết quả thu hút đầu tư đã đạt được là rất tích cực so với năm 2012, cụ thể: Thu hút FDI tăng 2,5 lần về số dự án và bằng 2,06 lần về vốn đầu tư đăng ký; thu hút DDI tuy chỉ bằng 95% về số dự án nhưng đạt gấp 3,3 lần về vốn đầu tư đăng ký so với năm 2012.
Xác định thu hút đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH của tỉnh. Trước thực trạng trên, đồng chí cho biết tỉnh đã chỉ đạo và có những giải pháp gì trong việc nâng cao chỉ số PCI và thực hiện hiệu quả thu hút đầu tư?
Bước sang năm 2013, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tích cực vận động, tăng cường xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; xác định công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhằm tạo niềm tin, sự yên tâm của các nhà đầu tư hiện tại và tương lai. Nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh như: Ban hành quyết định, chỉ thị, kế hoạch thực hiện đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh giai đoạn 2013-2015; xây dựng dự án cổng thông tin điện tử thành phần thuộc hệ thống quy định điện tử Việt Nam giai đoạn III tại tỉnh Vĩnh Phúc nhằm công khai các thủ tục đầu tư trên địa tỉnh; đã tổ chức một số đoàn công tác xúc tiến đầu tư như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nga… tọa đàm với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Tích cực tham gia diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản do VCCI tổ chức. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư nhân sự kiện Tuần lễ văn hoá, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013. Đưa vào sử dụng phần mềm điện tử một cửa liên thông tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã góp phần giải quyết thủ tục hành chính đúng thời hạn và được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Tập trung xây dựng hạ tầng và giải phóng mặt bằng các KCN của tỉnh. Quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và 10 giám đốc các sở, ban, ngành đã đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Với sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm của cả hệ thống chính trị nên ngay từ quý III năm 2013, hoạt động thu hút đầu tư đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Mười tháng đầu năm 2013 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 37 dự án, gồm: 18 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 244,14 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2012: tăng 3 lần về số dự án và bằng 163% về vốn đầu tư; đạt 122% kế hoạch và 19 dự án DDI, với số vốn đầu tư đăng ký là 6.113,44 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2012: bằng 100% về số dự án, tăng 8,24 lần về vốn đầu tư, bằng 408% kế hoạch.
Kinh nghiệm rút ra từ thành công trong thu hút đầu tư năm 2013?
Qua thực tiễn triển khai, rút ra kinh nghiệm như sau:
– Phải xác định đúng vai trò, xu hướng đầu tư theo từng giai đoạn phát triển, tranh thủ nắm bắt thời cơ để kịp thời đề ra những chủ trương đường lối đúng đắn. Coi trọng công tác xúc tiến đầu tư, nhất là xúc tiến đầu tư tại chỗ; cần làm tốt công tác quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác GPMB; tiếp tục đoàn kết, nhất trí cao trong công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu, duy trì kỷ cương trong bộ máy công quyền; mọi thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động đầu tư phải đơn giản, gọn nhẹ, không làm tăng chi phí, không gây phiền hà cho nhà đầu tư. Phải luôn hướng về nhà đầu tư và doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư như: BT, BOT, BTO…
– Cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nhà đầu tư và người dân góp phần ổn định việc làm, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tập trung đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn đồng chí!
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh