Vĩnh Phúc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ
Với phương châm “Các đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; sát cánh cùng doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn; vận dụng linh hoạt các chính sách, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngay sau khi tái lập tỉnh, cùng với việc chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến hoạt động đầu tư tại tỉnh; Vĩnh Phúc rất quan tâm, chăm sóc các doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trước và sau cấp phép đầu tư một cách tốt nhất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo ngành, lĩnh vực. Để thu hút nhà đầu tư các nước vào tỉnh, ngoài tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, hướng tới các khu vực tiềm năng như khu vực Đông Bắc Á với các nước như: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… hay khu vực châu Âu như: Italia hay Hoa Kỳ… tỉnh còn tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc giới thiệu các hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của các đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại tỉnh đến với các nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động SXKD có hiệu quả.
9 tháng năm 2014, toàn tỉnh đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 64 dự án, trong đó, có 30 dự án DDI, với số vốn đầu tư đăng ký 4.147,8 tỷ đồng (bao gồm: 2.657,4 tỷ đồng đăng ký mới và 1.490,4 tỷ đồng đăng ký điều chỉnh bổ sung) so với cùng kỳ tăng 1,66 lần về số dự án, bằng 68,6% về vốn đăng ký; so với kế hoạch đạt 200% về dự án, đạt 276,5% về vốn đăng ký và 34 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 277,5 triệu USD (bao gồm: 235,5 triệu USD đăng ký mới; 42 triệu USD điều chỉnh bổ sung tăng) so với cùng kỳ: tăng 2,26 lần về dự án, tăng 47,1% về vốn đăng ký; so với kế hoạch: đạt 226,7% về dự án, đạt 154,2% về vốn đăng ký. Luỹ kế đến hết 9 tháng năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 739 án đầu tư còn hiệu lực gồm: 172 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 2.938,9 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 1.479,5triệu USD, đạt 50,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và 567 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký là 38.102,2tỷ đồng vốn thực hiện ước đạt 16.574 tỷ đồng, đạt 43,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện, thời gian qua, Tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh đến từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Singapore, Malaysia. Tính đến hết tháng 9/2014, đã có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, đứng đầu là Đài Loan với 38 dự án vốn đăng ký 1.120 triệu USD, thứ 2 là Nhật Bản với 21 dự án vốn đăng ký 717 triệu USD; thứ 3 là Hàn Quốc với 69 dự án vốn đăng ký 592 triệu USD, tiếp theo là Singapore, Ý, Thái Lan…Theo ông O-Sung Kwon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sindoh Vina (Hàn Quốc), sau thời gian khảo sát môi trường đầu tư tại Philippine và nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, Công ty TNHH Sindoh Vina đã quyết định chọn tỉnh Vĩnh Phúc để đầu tư dự án sản xuất máy văn phòng cao cấp. Tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh hội tụ các điều kiện mà chúng tôi cần như: Lãnh đạo tỉnh rất năng động, thân thiện và luôn ủng hộ các nhà đầu tư; vị trí địa lý và giao thông của tỉnh rất thuận lợi; hạ tầng cho đầu tư khá đồng bộ; nền đất cứng giảm chi phí xây dựng công trình; các cơ quan chuyên môn của tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư rất nhiệt tình; thủ tục hành chính về đầu tư đơn giản và được giải quyết nhanh chóng theo cơ chế một cửa liên thông; nguồn lao động trẻ, dồi dào, dễ tuyển dụng…
Là doanh nghiệp FDI đầu tiên trên địa tỉnh, với nhiều lần tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ 104 triệu USD năm 1996 tăng lên 374 triệu USD năm 2014, Công ty Honda Việt Nam đã đóng góp hơn 20.000 tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động tại các công ty vệ tinh, hệ thống cửa hàng ủy quyền. Tổng doanh số xe máy bán ra đạt hơn 15 triệu chiếc, với nhiều dòng xe phù hợp với thị hiếu và tài chính của người Việt, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và thương hiệu. Để đạt được kết quả trên, theo ông Masayuki Igarashi, Tổng Giám đốc Công ty HONDA Việt Nam, ngoài sự nỗ lực, năng động, nhạy bén nắm bắt thị trường của Công ty Honda Việt Nam, còn có sự hỗ trợ rất nhiều từ tỉnh Vĩnh Phúc. Với lợi thế nằm ở vị trí gần kề sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng và thủ đô Hà Nội, việc cung cấp nguồn nhân lực cho công ty cũng như các cơ sở vật chất phục vụ các chuyên gia nước ngoài sang sinh sống và làm việc là rất phù hợp. Đặc biệt, sau khi Công ty xây dựng xong ký túc xá cho công nhân, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng đường và cầu vượt nối liền từ công ty sang ký túc xã. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của công nhân mà còn đảm bảo an toàn các phương tiện tham gia giao thông.
Đánh giá về môi trường đầu tư của tỉnh, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp FDI cho rằng: Môi trường đầu tư, kinh doanh ở Vĩnh Phúc ổn định về xã hội- chính trị; dễ tuyển lao động, quy mô thị trường gia tăng; có nền công nghiệp phát triển, nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; nguồn lao động dồi dào; cơ sở hạ tầng phát triển.
Với những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động; tạo việc làm cho trên 70.00 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp phục vụ trong khu vực dịch vụ và xây dựng, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống một bộ phận trong cộng đồng dân cư; từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Ngoài ra, các dự án FDI đã góp phần hỗ trợ tỉnh mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác hữu nghị với một số vùng, thành phố của các quốc gia có dự án đầu tư trên địa bàn.
Hy vọng rằng, với những chính sách thông thoáng, cởi mở, đổi mới trong xúc tiến đầu tư tại chỗ sẽ tạo nền tảng vững chắc xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI .
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh