Thứ Năm, 30/11/2023 14:35:54 (GMT+7)

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử nói riêng đã có sự phát triển đáng kể. Bắt nhịp với xu thế chung của toàn cầu, các hình thức giới thiệu sản phẩm, mua bán, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, thương mại điện tử được nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn nhờ ưu thế tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, chi phí sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác, khách hàng…

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Việc hình thành kho ngoại quan của Vietnam Post tại Vĩnh Phúc sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển

Tìm hiểu thực tế tại hệ thống các cửa hàng điện máy như Media mart, HC, Điện máy xanh, Thế giới di động… hay các siêu thị như Go! Vĩnh Phúc, Co.op mart Vĩnh Phúc từ lâu các doanh nghiệp này đã xây dựng các website, fanpage trên Facebook, OA trên Zalo…để giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với khách hàng, phục vụ đắc lực cho việc kinh doanh. Đến khi xuất hiện các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… các doanh nghiệp cũng nhanh chóng mở các gian hàng để đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến. Theo tính toán của các siêu thị điện máy lớn có hệ thống phân phối trên toàn quốc, doanh số bán hàng trực tuyến tăng cao theo từng năm, chiếm tỷ trọng ngày càng cao so với hình thức mua sắm trực tiếp.

Đơn cử như tại Chi nhánh Media mart Vĩnh Phúc, với 8 điểm bán hàng trên toàn tỉnh, ngoài các website chung của toàn hệ thống, mỗi điểm bán hàng đều lập fanpage trên Facebook, kênh Tiktok và OA Zalo riêng để phục vụ cho việc bán hàng trực tuyến.

Anh Vũ Văn Dương, Giám đốc Chi nhánh Media mart Vĩnh Phúc cho biết: “Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, lực lượng công nhân, người lao động trẻ tuổi, tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, đây là một trong những nhóm khách hàng chính của chúng tôi. Đón đầu xu thế mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến và tăng cao, Chi nhánh đã chủ động tiếp cận với khách hàng, giao dịch, tư vấn khách hàng bằng các hình thức trực tuyến. Hiện nay, mỗi tháng doanh số bán hàng trực tuyến đã chiếm từ 40 – 45% tổng doanh số của Chi nhánh và con số này sẽ tiếp tục tăng cao”.

Không nằm ngoài xu thế đó, các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc cũng sớm bắt nhịp với các hình thức bán hàng trực tuyến. Công ty Ong Tam Đảo, Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Tsubame hay HTX Nấm Tam Đảo… cũng đã coi các sàn thương mại điện tử, các hình thức bán hàng trực tuyến là chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển và là phương thức kinh doanh hiệu quả. Từ đó, chủ động bố trí nhân lực thành thạo về công nghệ thông tin, chú trọng xây dựng hình ảnh, tạo dựng các fanpage, gian hàng trên Shopee và tạo các website riêng. Nhờ vậy, doanh số bán hàng qua các nền tảng trực tuyến đã chiếm từ 30 – 50% tổng doanh số.

Hiện phần lớn người dân Vĩnh Phúc cũng đã tiếp cận, sử dụng thành thạo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… và các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Twitter…để mua, bán hàng hóa. Phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như: Momo, VNPay, Zalo Pay hay Viettel Money cũng đã được khai thác và sử dụng rộng rãi trong thanh toán trực tuyến và trực tiếp. Số liệu từ sàn thương mại điện tử Shopee, đến tháng 5 năm 2023 đã có gần 2.000 cửa hàng đăng ký từ tỉnh Vĩnh Phúc.  

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành 01 sàn thương mại điện tử (Sàn giao dịch Công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc có địa chỉ tại https://vptex.vn/), đây là sàn thương mại điện tử chuyên về máy móc, công nghệ và thiết bị với hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia đạt 27,2% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn 01 sàn thương mại điện tử (vinhphuctrade.vn) để phục vụ các hoạt động thương mại khác do tư nhân xây dựng đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa có giao dịch.

Nhận thức được lợi ích của phát triển thương mại điện tử, tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm có những giải pháp để thúc đẩy phát triển. Các quy định về thương mại điện tử được xây dựng, phổ biến và lan tỏa cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách, chương trình đào tạo ngắn. Vì vậy, trong giai đoạn năm 2021 – 2023, tỉnh luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển thương mại điện tử tốt nhất cả nước với 19,6 điểm.

Số lượng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng; số lượng trang web của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chức năng mua bán tăng 10 – 15%/năm. Tỷ lệ doanh thu từ thương mại điện tử của các doanh nghiệp chiếm lĩnh khoảng 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trên tổng GRDP chiếm 22,87%, xếp thứ hạng 5/63 tỉnh, thành phố.

Phát triển thương mại điện tử ở Vĩnh Phúc có nhiều điểm sáng và tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, bước đầu đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, song được giới chuyên môn đánh giá phát triển chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu, chưa bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hệ sinh thái cho thương mại điện tử bao gồm dịch vụ thanh toán, logistics và các dịch vụ phụ trợ mới chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hạ tầng, chất lượng vận chuyển, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi và truy xuất đơn hàng vẫn chưa phát triển đồng bộ và còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng nóng của thị trường thương mại điện tử dẫn đến hệ lụy là các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường điện tử. Chỉ số phát triển thương mại điện tử của tỉnh thường xuyên duy trì trong nhóm 15 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước, nhưng so với các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, vẫn còn khoảng cách khá xa về điểm số. Hiện nay, chưa có doanh nghiệp trên địa bàn chủ động ký hợp đồng với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba, Ebay, BestBuy, Walmart…để thực hiện giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng website phù hợp với mô hình sản phẩm của từng đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng có chất lượng trên địa bàn tỉnh vào hệ thống các siêu thị, sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, tham gia triển lãm trực tuyến, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa dịch vụ; hỗ trợ để các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Đề án đặt mục tiêu xây dựng thị trường thương mại điện tử của tỉnh phát triển nhanh, lành mạnh, có tính cạnh tranh và bền vững trong nền kinh tế số; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Vĩnh Phúc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia vào thị trường thương mại quốc tế. Đến năm 2025, đưa Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước, đạt trên 30/100 điểm. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước và thu hẹp khoảng cách về điểm số phát triển thương mại điện tử với các tỉnh, thành đứng đầu; mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm OCOP trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới…

vinhphucgov.vn