Thứ Năm, 18/04/2024 8:39:00 (GMT+7)

Từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô, xe máy

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra một trong những mục tiêu phấn đấu là đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước.

Nỗ lực triển khai thực hiện mục tiêu này trên nền tảng sẵn có là hiệu quả sản xuất, kinh doanh của 2 doanh nghiệp đóng góp chủ lực cho ngân sách Nhà nước là Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam, ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh kiện, phụ tùng phục vụ việc lắp ráp ô tô, xe máy trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô, xe máy

Toyota Việt Nam đang có gần 1.000 sản phẩm các loại được nội địa hóa

Theo thống kê của Sở Công Thương, 5 năm trở lại đây, sản lượng sản xuất, tiêu thụ các dòng xe của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2020, Toyota Việt Nam xuất xưởng 43.243 xe, bán ra thị trường 72.136 xe; năm 2021 xuất xưởng 30.330 xe, bán ra thị trường 69.002 xe; năm 2023 xuất xưởng 26.426 xe, bán ra thị trường 59.207 xe và nộp ngân sách Nhà nước hơn 873 triệu USD.

Mặc dù sản lượng sản xuất, tiêu thụ giảm, nhưng để thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa giá trị sản xuất ô tô trong nước và các loại phụ tùng để thay thế phần giá trị nhập khẩu, Toyota Việt Nam đã không ngừng đưa ra các sáng kiến, giải quyết bài toán về linh kiện, nguồn nguyên vật liệu sản xuất trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, hỗ trợ từng bước đưa các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng. Từ năm 2018 đến nay, công ty đã lập riêng bộ phận chuyên trách, hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam; lập đội ngũ chuyên gia đến làm việc với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước để tư vẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất linh kiện, nâng cao quản trị, hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm.

Tính đến tháng 4/2024, Toyota Việt Nam đã liên kết với 60 nhà cung cấp phụ tùng, trong đó có 13 nhà cung cấp Việt Nam với sản phẩm nội địa hóa đạt hơn 1.000 sản phẩm các loại. Đặc biệt, thực hiện Biên bản ghi nhớ Dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, năm 2023, Toyota Việt Nam đã hỗ trợ thêm 13 nhà cung cấp linh kiện, nâng tổng số nhà cung cấp được hỗ trợ lên 17 doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô lên tới 40%, trong đó, riêng dòng xe Vios đạt tỷ lệ nội địa hoá tới 43%.

Cũng nỗ lực thực hiện các cam kết về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, những năm qua, Công ty Honda Việt Nam đã tăng cường đầu tư, nâng cấp các dây chuyền sản xuất, lắp ráp; liên kết với các nhà cung cấp phụ tùng, cơ khí trong nước; khuyến khích, đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công nhân, lao động.

Theo đại diện công ty, hiện Honda Việt Nam vận hành 3 nhà máy sản xuất xe máy, 1 nhà máy sản xuất ô tô, 1 trung tâm đào tạo lái xe an toàn hiện đại nhất Việt Nam, cùng 1 phân xưởng piston và 1 trung tâm phụ tùng. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, công ty đã liên kết với 140 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, trong đó, có 100% linh kiện nhựa, cao su; 90% linh kiện kim loại; 80% linh kiện điện tử được cung ứng từ các công ty sản xuất trong nước và khoảng 20% linh kiện điện tử được mua thông qua các công ty thương mại. Tỷ lệ nội địa hóa sản xuất xe máy đạt khoảng 96%; sản xuất ô tô gần 2%.

Việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa không chỉ giúp giá thành xe máy, ô tô Honda có tính cạnh tranh cao mà còn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh. Năm 2023, Honda Việt Nam ra mắt thị trường 21 mẫu xe máy mới, với 2,3 triệu xe đến tay khách hàng, chiếm tới 81% thị phần tại Việt Nam, tăng 13,8% so với năm 2022; hơn 22.600 xe ô tô, tổng doanh thu đạt trên 96.000 tỷ đồng. Đồng thời, xuất khẩu tra thị trường thế giới 228.801 xe, với tổng doanh thu xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng đạt 402 triệu USD, tăng 23,4% so với năm 2022.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành điện tử, ô tô, xe máy… Thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy phát triển đúng định hướng, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô, xe máy, linh kiện điện tử phát triển. Tăng cường các hoạt động liên kết chuỗi sản xuất để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện tử; 10 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn.

Theo Thanh Nga - vinhphuc.gov.vn