Toàn tỉnh đã thu hút 122 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài
Với phương châm “các doanh nghiệp đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, doanh nghiệp thành công thì tỉnh cũng thành công”, những năm qua, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, trong đó, nổi lên là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ý…Tính đến hết tháng 3/2013, toàn tỉnh đã thu hút được 122 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,5 tỷ USD.
Trong số các dự án FDI đang đầu tư tại Vĩnh Phúc, Nhật Bản có số vốn đầu tư lớn thứ hai với 669 triệu USD cho 19 dự án. Nhật Bản cũng là quốc gia đầu tiên có dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc và đã đặt nền tảng cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh. Các dự án Nhật Bản đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả và tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam. Quý I/2013, doanh thu của các dự án Nhật Bản đầu tư tại tỉnh đạt hơn 1.037 triệu USD, giá trị hàng xuất khẩu đạt 45,35 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 22.537 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.104 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, Vĩnh Phúc đã phát triển được một số ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử. Hiện trên địa bàn tỉnh có 24 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, xe máy, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá của các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy trên địa bàn. Các dự án FDI cũng góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực. Đến nay, khu vực FDI đã tạo việc làm cho trên 42.000 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp phục vụ trong khu vực dịch vụ và xây dựng, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống một bộ phận dân cư. Đồng thời, góp phần hỗ trợ tỉnh mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác hữu nghị với một số vùng, thành phố của các quốc gia có dự án đầu tư trên địa bàn.
Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp FDI, DDI trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai các chính sách, giải pháp của Chính phủ như miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất tiền vay, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nghị quyết 66 của HĐND tỉnh khóa XV xác định mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2013 là tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh uỷ cũng đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê; cùng với ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại bàn nhiều giải pháp để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong năm 2013, tỉnh sẽ dành nguồn vốn xử lý 30% nợ đọng theo Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh