Thứ Hai, 28/06/2021 21:00:55 (GMT+7)

Tọa đàm trực tuyến Chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất và tiếp cận tài chính giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid 19

Sáng ngày 24/6/2021 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm trực tuyến Chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất và tiếp cận tài chính giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid 19.

Tọa đàm trực tuyến Chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất và tiếp cận tài chính giúp doanh nghiệp phục hồi sau Covid 19

Tham dự buổi tọa đàm có bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng – Cục Phát triển doanh nghiêp, Ông Daniel Fitzpatrick – Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (USAID LinkSME), cùng với đại diện lãnh đạo của một số tỉnh thành, doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiệp hội ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Mở đầu, buổi tọa đàm đã khái quát chung về năng lực, điểm mạnh,         khó khăn của các doanh nghiệp cơ khí khi tham gia vào chuỗi cung ứng. Trong những năm gần đây, các DN cơ khí đã có những tiến triển rõ rệt về mặt công nghệ, tỉ lệ hóa cao lên, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên các DN còn gặp phải một số khó khăn như: Thiếu thông tin về thị trường, thương hiệu chưa mạnh; Trình độ khoa học còn hạn chế, máy móc chưa đủ khả năng đáp ứng các sản phẩm cơ khí chất lượng cao; Nguyên vật liệu chưa chủ động được, nhập khẩu nhiều nên bị sức ép cạnh tranh và giá ảnh hướng khi chuỗi cung ứng đứt gãy; Nhân lực thiếu về số lượng và chất lượng, chứng chỉ nghề quốc tế, ngoại ngữ; Sự liên kết hợp tác còn lỏng lẻo.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nhà cung ứng đầu chuỗi của DN sau đại dịch Covid-19, buổi đọa đảm đã đưa ra một số giải pháp, chiến lược giúp DN phục hồi trong thời gian tới. Cụ thể: Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn trong lĩnh vực cơ khí quy mô chuỗi cung ứng lớn; Nâng cao năng lực tổ chức quản lý tài chính và công nghệ; Xây dựng cơ chế khuyến khích, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Bên cạnh đó, về phía ngân hàng Standard Chartered đã giới thiệu trực tiếp tại Tọa đàm chương trình, giải pháp toàn diện Tài khoản của DN và quản lý thanh toán giúp các DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tài chính, mở rộng sản xuất phục hồi sau Covid-19.

Trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV với Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”. qua đó góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh trạnh, chất lượng doanh nghiệp, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cung ứng.

Hi vọng trong tương lai cùng với sự hỗ trợ của dự án USAID LinkSME, các doanh nghiệp đặc biệt là các DNNVV tại Việt Nam sẽ có những bước đột phá mới trong việc tiếp cận tài chính, nâng cao năng lực để tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

Lương Hồng Phúc (Bài và ảnh)