Tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp
Chiều ngày 21/5/2021, các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, bàn triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Cùng dự có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Vĩnh Phúc; lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp.
Thông tin tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tính đến nay Vĩnh Phúc có 89 ca mắc Covid-19 liên quan đến 4 ổ dịch, 7/9 huyện, thành phố có người mắc bệnh. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, 326/326 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã đăng ký hợp đồng với các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; 100% doanh nghiệp cam kết thực hiện giám sát lịch trình đi lại, làm việc của đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, các chương trình làm việc với các đối tác. Đến hết ngày 20/5, có 261 doanh nghiệp đã có kết quả xét nghiệm, với 74.571 mẫu đều cho kết quả âm tính; số lao động đã được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 là 98.533/99.177 người đăng ký, đạt tỷ lệ 99,35% và hiện chưa phát hiện doanh nghiệp nào trong khu công nghiệp có lao động dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện nay một số tỉnh thành trong nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, … nhiều nhà máy, khu công nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, do có nhiều người lao động dương tính với SARS-CoV-2, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và Nhà nước. Theo thống kê, số lượng lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như số lượng lao động người Vĩnh Phúc đi làm việc tại các tỉnh bạn khá lớn (trên 12.000 người). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có mối quan hệ đối tác sản xuất, kinh doanh qua lại với các doanh nghiệp tại các địa phương có tỷ lệ cao người lao động trong khu công nghiệp nhiễm bệnh. Do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào các khu công nghiệp là rất lớn.
Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Phúc họp với các doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị về các khó khăn, bàn giải pháp tháo gỡ, cũng như các đề xuất, hiến kế cho tỉnh trong việc phòng, chống dịch bệnh đồng thời vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo một số cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đề xuất, cần tạm dừng việc di chuyển cơ học số lao động từ các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao vào tỉnh Vĩnh Phúc và ngược lại. Đồng thời, tạm dừng xe đưa đón công nhân từ các tỉnh vào Vĩnh Phúc và chỉ cho phép các xe hợp đồng đưa đón công nhân nội tỉnh hoạt động. Các chuyên gia, quản lý của doanh nghiệp cũng ở lại trong thời gian này, các công ty bố trí chỗ ăn, ở cho các chuyên gia, quản lý hoặc làm việc online; tạm dừng tuyển lao động mới ngoại tỉnh.
Lãnh đạo các doanh nghiệp cảm ơn tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, khẳng định sẽ luôn ủng hộ và tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng chống dịch, nhất là việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% công nhân, lao động, chuyên gia trong các khu công nghiệp. Nhất trí với đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh về giải pháp phòng, chống dịch bệnh, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành, nhất là với các địa phương có dịch bệnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cảm ơn cộng đồng các doanh nghiệp luôn đồng hành, ủng hộ cả vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã và đang triển khai có thể cao hơn so với quy định chung và sẽ có những tác động nhất định đến doanh nghiệp nhưng là việc cần làm trong giai đoạn hiện nay để bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ chính hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đề nghị các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ Việt Nam, của tỉnh trong phòng chống dịch bệnh. Đây là những biện pháp cần thiết trong lúc này.
Tỉnh Vĩnh Phúc có thiện chí và mong doanh nghiệp đồng thuận một số yêu cầu, với phương châm: SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI DÂN – AN TOÀN CỦA DOANH NGHIỆP:
Đối với các chuyên gia, quản lý sống tại Hà Nội: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc phòng chống dịch và việc để việc để bệnh dịch lây lan với các chuyên gia. Cần triển khai xét nghiệm 03 ngày 1 lần với kết quả âm tính để được đi lại, làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong trường hợp các chuyên gia ở lại Vĩnh Phúc, tỉnh lựa chọn các khách sạn tốt nhất và hỗ trợ về chi phí lưu trú.
Đối với các chuyên gia sinh sống tại các tỉnh ngoài Hà Nội: Đề nghị ở lại Vĩnh Phúc. Tỉnh lựa chọn các khách sạn tốt nhất và hỗ trợ về chi phí lưu trú.
Tất cả các lao động từ vùng có dịch (hiện nay là Bắc Giang, Bắc Ninh) dứt khoát yêu cầu ở lại Vĩnh Phúc; khuyến khích các lao động tại các tỉnh khác ở lại. Tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí ăn ở cho các lao động này.
Về lưu thông hàng hóa, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chủ động làm việc với các tỉnh bạn về lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp. Các lái xe và phương tiện vận tải đều phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, phun khử khuẩn, test SARS-CoV-2 khi lưu thông vào khu công nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ tuyệt đối chủ trương của doanh nghiệp, chống dịch nhưng vẫn duy trì sản xuất, trên cơ sở các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch, áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhất để kiểm soát dịch bệnh; làm công tác tư tưởng với người lao động vì sự an toàn của chính cá nhân họ và gia đình.
Đối với các cơ quan quản lý, yêu cầu phải có trạm khử khuẩn ra vào khu công nghiệp. Bên cạnh phòng chống dịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về điện, nước, xuất nhập cảnh, thông quan hàng hóa, … cho doanh nghiệp.
Về lao động, không bắt buộc doanh nghiệp dừng tuyển dụng lao động. Trước mắt ưu tiên sử dụng lao động hiện có, các sở ngành phối hợp giới thiệu nguồn nhân lực và phương án tuyển dụng đảm bảo an toàn chống dịch bệnh.
Tỉnh sẽ sớm có văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp thống nhất thực hiện./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh