Thứ Năm, 26/01/2017 10:43:51 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Phúc tham dự Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản

Ngày 24/01/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đồng tổ chức buổi Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và ngài Akio Mimura, Chủ tịch JCCI đồng chủ trì buổi Đối thoại.

Tỉnh Vĩnh Phúc tham dự Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản

Các nhà đầu tư Nhật Bản và lãnh đạo các cơ quan của Việt Nam dự Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (Ảnh: Huyền Trang)

Tham dự Đối thoại có đại diện của trên 70 doanh nghiệp Nhật Bản, lãnh đạo một số địa phương tiêu biểu của Việt Nam đã có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu tư như: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa cùng một số hiệp hội doanh nghiệp từ các địa phương của Việt Nam. Tỉnh Vĩnh Phúc do ông Lê Duy Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tham dự  Đối thoại và có bài phát biểu tại hội nghị.

Trong lời phát biểu chào mừng, ông Vũ Tiến Lộc cho biết: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đều là những doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội cũng như hiệu quả đầu tư cao sẽ mang lại sự thay đổi cho nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là tấm gương lớn để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và nâng cao kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp” .

Cũng trong lời chào mừng của mình, ngài Akio Mimura cảm ơn sự hợp tác tốt đẹp với VCCI của Việt Nam, đoàn công tác JCCI lần này có trên 70 doanh nghiệp hàng đầu ở Nhật Bản, cho thấy sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Sau lời phát biểu chào mừng của TS. Vũ Tiến Lộc và ngài Akio Mimura,  lãnh đạo các địa phương có phát biểu quảng bá giới thiệu môi trường đầu tư của địa phương mình, đồng thời kêu gọi các lĩnh vực, ngành nghề đang thu hút đầu tư với các nhà đầu tư Nhật Bản. Thay mặt tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh nhưng lợi thế đặc biệt về môi trường đầu tư của tỉnh như: Nằm cạnh thủ đô Hà Nội; hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông rất thuận lợi; nguồn nhân lực dồi dào, đã có 26 nhà đầu tư Nhật Bản  đang đầu tư có hiệu quả tại Vĩnh Phúc như: Toyota, Honda, Nissin và gần đây là Sumitomo. Hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Vĩnh Phúc đang tốt dần và hiện đang đứng thứ 4/63 tỉnh, thành cả nước. Với thế mạnh về công nghiệp, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, điện tử, đồ gia dụng, máy tính, các sản phẩm có  hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng được tỉnh quan tâm, dành quỹ đất đủ lớn, tập trung dồn điền đổi ruộng để thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Về du lịch, dịch vụ, Vĩnh Phúc có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho du lịch, dịch vụ và có khả năng tạo ra lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư. Hiện nay các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nước và thế giới như: FLC Vĩnh Thịnh, Flamingo Đại Lải, Tam Đảo 1, Tam Đảo 2 đang thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Vĩnh Phúc có mối quan hệ mật thiết với một số địa phương tại Nhật Bản như Akita, Saitama, Vĩnh Phúc mong muốn tiếp tục hợp tác với các tỉnh khác của Nhật Bản, Tỉnh luôn chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Với sự hợp tác phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, gắn bó chặt chẽ trên nhiều mặt, ông Akio Mimura khẳng định, giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn về cơ hội đầu tư, thương mại. Do đó hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, nhất là về các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo linh kiện, đầu máy… những lĩnh vực Nhật Bản đang có thế mạnh. Ông Akio cũng kỳ vọng, qua buổi đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản hôm nay sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam.

Huyền Trang – IPA Vinh Phuc