Thứ Năm, 24/09/2020 22:39:48 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công

Tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện lập và ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 theo quy định. Việc bố trí vốn đầu tư đã có sự kiểm soát tốt, không còn tình trạng đầu tư dàn trải. Các dự án đầu tư được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao.

Tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công

Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc trước ngày khánh thành (Nguồn: Khánh Linh)

Thực hiện Luật đầu tư công, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020;  Tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện lập và ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 theo quy định. Việc bố trí vốn đầu tư đã có sự kiểm soát tốt, không còn tình trạng đầu tư dàn trải. Các dự án đầu tư được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao. Nguồn vốn được tập trung bố trí cho các dự án quyết toán, dự án hoàn thành và dự án chuyển tiếp, sau đó mới bố trí cho các dự án khởi công mới.

Tổng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 40.000 tỷ đồng. Căn cứ vào nguồn lực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành ưu tiên đầu tư các công trình, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh, các dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, tập trung giải quyết xong nợ đọng XDCB, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng khung đô thị được đầu tư theo các mục tiêu của Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh và  Nghị quyết 91/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Các tuyến đường khung đô thị (vành đai, hướng tâm, đường qua các khu công nghiệp) và các tuyến giao thông quan trọng khác đã được đầu tư hoàn thành. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp điện; cấp, thoát nước; cây xanh…) đã được đầu tư cơ bản đáp ứng với nhu cầu phát triển của tỉnh. Hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư trong đó đã hoàn thành một số dự án tiêu biểu như: Trường chuyên tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn I, Chợ Vĩnh Yên, công viên, quảng trường trung tâm các huyện, thành phố… Diện mạo đô thị được thay đổi rõ nét. Vốn đầu tư công đã đóng góp một phần quan trọng và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đầu tư công trong các năm qua còn có một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân chậm làm ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và phần nào đã tác động đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA,…có hiệu lực tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với tỉnh Vĩnh Phúc, để tạo ra sự chủ động trong phát triển, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công có vai trò to lớn trong việc góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:

– Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho đầu tư công theo hướng tập trung, tổng thể làm cơ sở để các cấp, các ngành chủ động xác định, lựa chọn danh mục dự án cần thiết đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, thực chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án theo đúng tiến độ.

Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng tâm, trọng điểm; các dư án có tính chất liên kết vùng, các dự án có tính chất lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tăng tỷ lệ điều tiết vốn về cho các địa phương tạo sự chủ động và gắn với trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng huyện, thành phố.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt, vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư, vốn đối ứng các dự án ODA, vốn thực hiện các chương trình, nghị quyết và bố trí vốn cho dự án khởi công mới phải có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc bố trí vốn phải phù hợp với tiến độ và khả năng giải ngân của các chương trình, dự án.

Tổ chức lập, phê duyệt và triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tính chất đô thị hiện đại, văn minh, xứng tầm cả nước, khu vực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt các dự án trọng tâm, trọng điểm dự kiến triển khai trong nhiệm kỳ 2020-2025.

– Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; kiện toàn, bổ sung cán bộ có đủ năng lực cho các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực và chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

– Đẩy nhanh công tác bổi thường, giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.

Đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư có dự án trên địa bàn tháo gỡ khó khăn trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, xử lý kịp thời khiếu nại, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Các cấp, các ngành tăng cường đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giảm thiểu các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hoàn thành 100% số vốn đầu tư công được giao; góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

BBT