Tỉnh Vĩnh Phúc phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19
Tình hình thực hiện phát triển kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và tại các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam từ cuối quý II năm 2021 đến nay; tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021đã đề ra.
Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm, tháo gỡ khó khăn cho chuyên gia, cán bộ quản lý và người lao động được ở lại tỉnh; tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi duy trì hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đặc biệt các doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ;…
Tháng 10 năm 2021, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm 3,24% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt mức tăng 10,68% so với cùng kỳ; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng khá so với cùng kỳ như doanh thu sản xuất linh kiện điện tử tăng 24,88%; giày, dép thể thao tăng 21,88%; thức ăn gia súc tăng 1,29%; quần áo các loại tăng 7,98% so với cùng kỳ; điện thương phẩm tăng 15,42%…
Thu ngân sách tăng cao so với cùng kỳ, tính đến ngày 15/10/2021 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 25.486,1 tỷ đồng, tăng 22,68% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 21.193,7 tỷ đồng, tăng 23,77%. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, 10 tháng năm 2021 toàn tỉnh đã thu hút được 32 dự án DDI (20 dự án cấp mới, 12 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 16.365 tỷ đồng, tăng 110,29%; 54 dự án FDI (29 dự án cấp mới, 25 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 994 triệu USD, tăng 122,73% so với cùng kỳ.
Khó khăn, vướng mắc
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, một số doanh nghiệp phải giãn tiến độ triển khai dự án, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số phải tạm ngừng hoạt động.
Kể từ tháng 02/2021 đến nay một số nguyên vật liệu, vật tư xây dựng có biến động bất thường đặc biệt là giá thép, giá vật liệu nội thất có mức tăng từ 30-50% so với cuối năm 2020, ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau và liên tục thay đổi dẫn đến các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời cập nhật, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư.
Năm 2021 bước vào năm đầu kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 nên các dự án khởi công mới trong năm 2021 đều chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thực hiện thủ tục bổ sung để đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án. Trong khi đó thời gian thực hiện bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kéo dài dẫn đến không kịp giải ngân số vốn kế hoạch đầu tư công đã giao trong năm.
Giải pháp phục hồi kinh tế trong phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới
Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng gia tăng; đại dịch Covid-19 tiếp tục có các tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, sản xuất trong điêu kiện phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp;….
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh