Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng sáu và sáu tháng đầu năm 2014
Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 của tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như: Một số sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp đạt thấp, tình hình tiêu thụ sản phẩm chậm; Sản xuất nông nghiệp gặp thời tiết không thuận lợi. Giá cả một số nguyên liệu đầu vào của sản xuất có diễn biến tăng; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,…
Song với sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên 6 tháng đầu năm 2014 đã được nhiều kết quả như: Ước giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,7%; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 1,6%; ngành dịch vụ tăng 8,8%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển; Các ngành dịch vụ đáp ứng tốt cho sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân; Hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới. Thu hút đầu tư đạt kết quả cao; vận động ODA có nhiều triển vọng. Giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông nhanh chóng, hiệu quả; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 được cải thiện đáng kể (tăng 17 bậc so với năm 2012). Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều đổi mới từ ban hành công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân bổ vốn và công tác quyết toán. Các công trình trọng điểm của tỉnh được triển khai tích cực. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được duy trì. An sinh xã hội được quan tâm. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả cụ thể như sau:
I. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục phát triển
Sáu tháng đầu năm 2014 sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn như diễn biến bất thường không thuận lợi cho sản xuất, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát, giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, giá bán các loại sản phẩm không ổn định, một số loại sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất và kéo dài nhiều tháng (nhất là sản phẩm ngành chăn nuôi),… đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Song sản xuất nông nghiệp là một trong những vụ được mùa; Chăn nuôi không có dịch bệnh xảy ra, trồng rừng đạt kết quả cao, sản xuất thủy sản phát triển ổn định. Ước 6 tháng đầu năm 2014, GTSX (giá SS 2010) ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn có mức tăng trưởng khá (tăng 3,1%) so với cùng kỳ năm 2013, đạt 58% kế hoạch. Kết quả trên từng lĩnh vực như sau:
1.1. Sản xuất nông nghiệp:
– Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cây trồng đã có sự chuyển dịch sang cây có hiệu quả hơn. Cây lúa, cây công nghiệp hàng năm giảm nhưng diện tích trồng rau các loại tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Năng suất lúa vụ chiêm Xuân ước đạt 60,37 tạ/ha, vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Mặc dù, năng suất lúa, ngô vụ đông tăng so với cùng kỳ, nhưng do diện tích lúa vụ chiêm xuân và nhất là diện tích ngô vụ Đông giảm mạnh so với cùng kỳ nên sản lượng lương thực có hạt ước giảm so với cùng kỳ.
– Về chăn nuôi: 6 tháng đầu năm không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, tuy nhiên ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá sản phẩm giảm (có thời điểm giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất); dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương (32 tỉnh, thành) trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Tuyên Quang… đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Theo kết quả điều tra 01/4/2014, tổng đàn trâu, đàn bò và đàn gia cầm giảm, đàn lợn tương đương so với cùng kỳ.
Ước giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm giảm 1,6% so với cùng kỳ.
1.2. Sản xuất lâm nghiệp: ước 6 tháng đầu năm diện tích rừng trồng mới đạt 761 ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ, đạt 100,1% kế hoạch. Công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng được duy trì thường xuyên, tuy nhiên từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã xảy ra 11 vụ phát lửa, trên 17,6 ha diện tích đất lâm nghiệp, gây thiệt hại 1,45 ha rừng.
1.3. Sản xuất thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định. Ước 6 tháng đầu năm diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 5.328,7 ha, giảm 0,57% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt 9.176,5 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ, đạt 47% kế hoạch (trong đó: sản lượng nuôi trồng là 8.266,7 tấn, sản lượng khai thác là 909,8 tấn). Công tác triển khai thực hiện Dự án xây dựng mô hình nuôi cá Rô lai đơn tính (Đường nghiệp) theo hướng thâm canh sản xuất hàng hóa được triển khai tích cực ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
2. Sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng trưởng thấp so với cùng kỳ
2.1. Sản xuất công nghiệp nhìn chung đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh (như ô tô các loại tăng 19,2%; gạch ốp lát tăng 14,4%; gạch xây dựng tăng 6,3%;… so với cùng kỳ); tuy nhiên một số sản phẩm công nghiệp (chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp) phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và do điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nên có sụt giảm (như: xe máy giảm 6,2%; thức ăn gia súc giảm 8,2% so với cùng kỳ), đã làm cho tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở cả 3 khu vực tăng thấp so với cùng kỳ năm 2013, nhất là khu vực FDI; đây là nguyên nhân chính làm tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt thấp. Ước 6 tháng đầu năm 2014 (giá SS 2010) tăng 1,31% so cùng kỳ năm 2013 và đạt 35,3% kế hoạch
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm 2014 giảm 0,16% so với cùng kỳ nên đã làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2014 tăng 0,01% so với cùng kỳ.
Về tiêu thụ sản phẩm công nghiệp: Tính đến hết 30/4/2014, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,89% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/5/2014 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,94% so với cùng thời điểm năm 2013.
2.2. Hoạt động xây dựng: Do tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn hoạt động xây dựng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi,… nên giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng trở lại. Ước 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá SS 2010) tăng 6,15% so với cùng kỳ và đạt 53,66% kế hoạch năm.
3. Các ngành dịch vụ đáp ứng tốt cho sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân.
Sáu tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất của 14 ngành dịch vụ đều có sự tăng trưởng; một số ngành có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao so với cùng kỳ như: Thương mại, sửa chữa, dịch vụ lưu trú và ăn uống,thông tin và truyền thông. Thuế nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giảm so cùng kỳ (-7%). Nguyên nhân thu thuế xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng hàng nhập khẩu giảm do thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan khi tham gia các Hiệp định, mức thuế nhập khẩu của nhiều nhóm hàng được điều chỉnh theo cam kết; lượng hàng hóa nhập khẩu linh kiện ô tô, xe máy của 2 công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam giảm mạnh,…
3.1) Thương mại, giá cả
Kinh doanh thương mại và dịch vụ duy trì được sự tăng trưởng, kết quả lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Một số chương trình như: Bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu; Đưa hàng Việt về nông thôn; Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt nam… tiếp tục được tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21,8% so với cùng kỳ, đạt 45,2% kế hoạch.
Mặt bằng giá cả thị trường ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây “sốt” giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ có xu hướng giảm qua từng tháng, bình quân 5 tháng đầu năm tăng 7,59% so với cùng kỳ.
3.2) Hoạt động xuất, nhập khẩu
Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả khá so với cùng kỳ do các doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực tìm kiếm những đơn hàng mới, mở rộng thị trường ngay từ đầu năm. Do một số mặt hàng chủ yếu đạt tốc độ tăng trưởng cao như hàng điện tử, giày dép, chè, hàng dệt may, xe máy và linh kiện, phụ tùng ô tô,…nên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn tăng 58% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 13% so cùng kỳ.
3.3) Dịch vụ vận tải: Vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tăng cả về khối lượng luân chuyển, vận chuyển và doanh thu, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh.
3.4) Kinh doanh du lịch tăng khá. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch được quan tâm. Các nội dung, chương trình xúc tiến quảng bá nhằm thu hút khách của tỉnh được tăng cường. Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tỉnh tăng khá so cùng kỳ; ước 6 tháng đầu năm 2014, ngành du lịch đã đón trên 1,6 triệu lượt khách, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước tăng 36,1% so cùng kỳ và đạt 71,3% kế hoạch.
3.5) Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, chất lượng các dịch vụ được nâng lên, các dịch vụ tiện ích được cung cấp đa dạng, tổng doanh thu ước tăng 23,6% so với cùng kỳ và bằng 57,1% kế hoạch.
3.6) Hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục được đảm bảo cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay đã được các tổ chức tín dụng quan tâm nhằm chia sẻ khó khăn cho khách hàng. Các tổ chức tín dụng đã đưa ra các gói cho vay với lãi suất hấp dẫn, tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác huy động vốn được các ngân hàng triển khai tích cực, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, nên mặc dù lãi suất tiền gửi giảm nhưng nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng khá. Ước đến hết tháng 6/2014, tổng nguồn vốn huy động tăng 36% so cùng kỳ, tăng 7,86% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ tăng 15,4% so cùng kỳ, tăng 8,3% so với cuối năm 2013. Nợ xấu chiếm tỉ lệ 3,46% trên tổng dư nợ. Nguyên nhân nợ xấu có xu hướng tăng là do các tổ chức tín dụng thực hiện phân loại và hạch toán đầy đủ các khoản nợ xấu theo quy định.
4. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và tình hình giải ngân vốn ODA
4.1. Hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm, triển khai tích cực, có hiệu quả; thu hút các dự án đầu tư tăng cao so với cùng kỳ.
– Tập trung vận động thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn thuộc các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, coi đây là kênh quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Tổ chức tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Tham gia gian hàng xúc tiến đầu tư công nghiệp tại Hội trợ Vietnam Expo 2014 do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội. Phối hợp với các cơ quan truyền tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phục vụ xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin.
Chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư theo Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2013-2015 nhằm cải thiện PCI; năm 2013, PCI của tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng 26/63 tỉnh thành, tăng 17 bậc so với năm 2012 (đạt mục tiêu Đề án đề ra – giai đoạn 2013-2014 bình quân mỗi năm tăng 15-20 bậc).
– Kết quả thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm tỉnh đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án, trong đó 21 dự án DDI, với số vốn đầu tư đăng ký là 2.457 tỷ đồng (bao gồm: 1.832 tỷ đồng đăng ký mới và 625 tỷ đồng đăng ký điều chỉnh bổ sung) so với cùng kỳ: bằng 210% về dự án, bằng 189% về vốn đăng ký; so với kế hoạch: đạt 140% về dự án, đạt 164% về vốn đăng ký và 18 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 182,1triệu USD (bao gồm: 144,4 triệu USD đăng ký mới; 37,7 triệu USD điều chỉnh bổ sung tăng) so với cùng kỳ: bằng 300% về dự án, bằng 109% về vốn đăng ký; so với kế hoạch: đạt 120% về dự án, đạt 101% về vốn đăng ký (KH: 180 triệu USD).
Luỹ kế đến hết 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 712 án đầu tư còn hiệu lực gồm: 158 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 2.930 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 1.412 triệu USD, đạt 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và 554 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký là 33.711 tỷ đồng vốn thực hiện ước đạt 13.861 tỷ đồng, đạt 41,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
4.2. Về tình hình giải ngân vốn ODA
Trên địa bàn tỉnh hiện có 06 dự án ODA, trong đó có 01 dự án do tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ quản đầu tư sử dụng vốn ODA Nhật Bản (Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc); 05 Dự án do các cơ quan Trung ương làm chủ quản đầu tư.
Ước 6 tháng đầu năm giải ngân đạt 150 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ước đạt 20 tỷ vốn đối ứng đạt 13,1% so với kế hoạch, vốn ODA ước đạt 130 tỷ đồng đạt 19,6% kế hoạch. Nguyên nhân vốn giải ngân đạt thấp là do vốn giải ngân chủ yếu tập trung vào 02 dự án chuyển tiếp (Dự án Cải thiện môi trường đầu tư và Dự án cơ sở hạ tầng nông thông bền vững các tỉnh phía Bắc); còn lại các dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện quyết toán và thủ tục đầu tư.
II. VỀ LĨNH VỰC VĂN HÓA – XÃ HỘI.
1. Giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển ổn định theo hướng đổi mới:
Trong 6 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 27/01/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành trung ương Đảng, khóa XI về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ’’; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư cơ sở vật chất trường học; xây dựng cơ chế xã hội hóa và huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục; xây dựng Đề án dạy và học Ngoại ngữ đến năm 2020; hoàn thiện việc sáp nhập Trung tâm đào tạo nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; thực hiện việc đổi mới công tác đào tạo và dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường ngay từ khâu xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch.
Việc đầu tư cơ sở vật chất trường học được chuyển dần sang đầu tư theo chiều sâu, tăng cường trang thiết bị phục vụ dạy học theo hướng hiện đại, chuẩn quốc gia và quốc tế. Tính đến hết năm học 2013 – 2014, tỷ lệ kiên cố hoá bậc học mầm non đạt 69%, tăng 11% so với năm học 2012 – 2013; tiểu học 92%, tăng 4%, THCS 98%, tăng 2%, THPT 100%, tăng 2%; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia 68%, tiểu học 88,4%, THCS 56%, THPT 34,2%.
Chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững và ổn định ở mức cao. Kết thúc năm học 2013-2014, tỷ lệ học sinh tiểu học được xét tốt nghiệp đạt 100%, THCS đạt 99,7% cao hơn năm học 2012-2013; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có 12.544 thí sinh tham gia dự thi và diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế; toàn tỉnh có 277 học sinh, sinh viên đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia và khu vực; cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2014 – Khu vực phía Bắc, Vĩnh Phúc có tới 12 dự án tham gia, có 11 dự án đạt giải, trong đó 01 giải nhất, 6 dự án đoạt giải toàn cuộc, tăng 05 giải so với năm 2013.
Công tác phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm và duy trì, năm học 2014-2015 ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh tối đa 70% số học sinh tốt nghiệp THCS, số còn lại học tại các trường nghề và bổ túc THPT nghề. Công tác phổ cập giáo dục được củng cố và duy trì, chất lượng phổ cập mẫu giáo cho trẻ mầm non 5 tuổi tiếp tục được nâng lên, Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 toàn quốc được công nhận đạt phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (vào tháng 2/2014).
2. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đặc biệt quan tâm.
UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và kịp thời công tác phòng chống bệnh sởi; thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ sở y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng các dịch vụ y tế, tinh thần phục vụ người bệnh; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư cho y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân nhân.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sởi trên phạm vi cả nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ sở y tế chủ động giám sát, nhằm phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, xử lý ổ dịch kịp thời; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, thống kê các đối tượng chưa tiêm hoặc đã tiêm vắcxin sởi nhưng chưa đầy đủ để có kế hoạch tiêm bổ sung, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng, tai biến do chủ quan. Tính đến ngày 01/6/2014, trên địa bàn tỉnh có 1.123 người mắc bệnh sởi hoặc sốt phát ban nghi sởi tại 132 xã, phường, thị trấn, trong đó đã 7 người tử vong liên quan đến sởi.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì thường xuyên, 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 1.950 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP là 1.385 (đạt tỷ lệ 71%). Các chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế được triển khai thực hiện và đã được kết quả bước đầu; đến nay có 24/137 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2013- 2020 đạt tỷ lệ 17,5%. Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục được triển khai có hiệu quả.
3. Hoạt động Văn hoá – thông tin, thể thao, phát thanh và truyền hình được củng cố và phát triển:
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá – thông tin được tăng cường. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tiếp tục được củng cố. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được chú trọng thực hiện và đạt kết quả tốt. Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục được triển khai, thực hiện.
Công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, tổ chức lễ hội truyền thống để chào mừng các ngày lễ của đất nước, của tỉnh diễn ra sôi nổi, rộng khắp, tiết kiệm, đúng quy định và lành mạnh như: tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IV; triển khai thực hiện Kế hoạch số 2192/KH-UBND ngày 29/4/2014 của UBND tỉnh về tham dự Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII tại tỉnh Nam Định; xây dựng kế hoạch triển khai kỷ niệm 65 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1950 – 12/2/2015);…
Các thiết chế văn hoá thể thao gắn với thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được ưu tiên tập trung đầu tư, nhất là 17 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh.
4. Công tác giải quyết lao động, việc làm được duy trì, an sinh xã hội được đảm bảo.
Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đào tạo và dạy nghề luôn được các cấp các ngành quan tâm duy trì thường xuyên; các công trình dự án đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời hiệu quả; chế độ chính sách hỗ trợ cho người lao động, người nghèo và người có công với cách mạng được giải quyết dứt điểm.
Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, đã tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo giai đoạn 2012-2015. Tổ chức tốt các sàn giao dịch việc làm, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho các lao động đi xuất khẩu, thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, trong đó tập trung vào thị trường có tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản… Sáu tháng đầu năm, tỉnh đã giải quyết việc làm được cho 11.880 lao động, tăng 16,7% so cùng kỳ và đạt 56,6% so với kế hoạch năm, trong đó lĩnh vực công nghiệp 5.706 người; nông nghiệp 2.643 người; thương mại – dịch vụ 2.773 người và xuất khẩu lao động đạt 550 người (tăng 284 người so với cùng kỳ và đạt 55% so với kế hoạch); thông qua quỹ quốc gia giải quyết việc làm 208 người. Tổ chức được 08 phiên giao dịch việc làm và đã tuyển tại sàn được 453 lao động.
Công tác dạy nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng cao; Tham gia Hội thi tay nghề quốc gia năm 2014, Đoàn Vĩnh Phúc 01 giải nhất, 02 giải ba và 09 giải khuyến khích, xếp thứ 3 toàn đoàn (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Về tình hình sử dụng lao động nước ngoài: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 713 lao động nước ngoài làm việc tại 123 doanh nghiệp, trong đó có 210 lao động là người Trung Quốc, Đài Loan. Tỉnh đã chỉ đạo tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động, bảo đảm an ninh trật tự,…nên người lao động nước ngoài nhất là lao động Trung Quốc và Đài Loan được đảm bảo an toàn, yên tâm lao động sản xuất.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội: Chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được các cấp, các ngành quan tâm chăm lo và thực hiện nghiêm theo quy định. Tỉnh đã tổ chức trao quà của Chủ tịch nước đến các đối tượng là người có công với 26.062 xuất quà trị giá trên 5,3 tỷ đồng và trích trên 15 tỷ đồng từ ngân sách để tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo…tiếp tục được triển khai thực hiện.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023