Thứ Tư, 30/07/2014 13:46:35 (GMT+7)

Tình hình Kinh tế – Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng bảy và bảy tháng đầu năm 2014

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

a. Nông nghiệp

+ Trồng trọt: Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch xong lúa và các loại cây trồng vụ đông xuân 2014; tập trung gieo cấy, chăm sóc lúa và rau màu vụ mùa. Thời tiết hiện nay thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, nhất là đối với cây lúa. Tuy nhiên, trên lúa mùa sớm hiện nay đã xuất hiện sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá cú mèo, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bọ trĩ, chuột, ốc bươu vàng …các địa phương cần hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến sâu bệnh gây hại, chủ động phòng trừ kịp thời. Sử dụng thuốc đặc hiệu cho những diện tích rau màu có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đến ngưỡng, ưu tiên các loại thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc ít độc hại, đảm bảo đúng kỹ thuật và thời gian cách ly khi thu hoạch, đặc biệt là rau, quả.

+ Chăn nuôi: Từ đầu năm đến nay công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tăng cường đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, được thực hiện chặt chẽ… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, chưa phát hiện có dịch bệnh phát sinh. Hiện nay, tình hình chăn nuôi có thuận lợi do giá các sản phẩm chăn nuôi tăng nên bà con nông dân và các địa phương đang tích cực khôi phục đàn lợn và đàn gia cầm. Tuy nhiên, giai đoạn này chăn nuôi cũng gặp những khó khăn nhất định do giá con giống, giá thức ăn và một số chi phí đầu vào khác ở mức cao. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần có các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi để bà con yên tâm chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh và nâng cao ý thức của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc đợt 2 năm 2014; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật.

b. Lâm nghiệp

Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng tiếp tục được thực hiện. Đến nay, các đơn vị lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã chăm sóc cho 402 ha rừng, đạt 100% kế hoạch; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 9.053 ha, đạt 100% kế hoạch. Công tác phòng chống cháy rừng được chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên nên từ đầu tháng đến nay trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy nào xảy ra.

c. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản có nhiều thuận lợi, thời tiết mưa nhiều đủ nước cho nuôi trồng, không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá thủy sản tiếp tục ổn định ở mức cao đã tạo điều kiện cho sản xuất thủy sản tiếp tục ổn định và phát triển. Hiện nay, do thời tiết có mưa nhiều nên bà con nuôi trồng tiếp tục tích nước thả thêm con giống vào các chân ruộng 1 lúa 1 cá; tập trung vào chăm sóc, đánh tỉa, thả bù đối với diện tích đã nuôi thả từ đầu năm. Tính đến hết tháng Bảy, diện tích nuôi thủy sản dự kiến đạt 6.634 ha, giảm 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giảm về diện tích nhưng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng so với cùng kỳ, do các hộ nuôi trồng tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung thâm canh, bán thâm canh. Dự kiến sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng Bảy đạt 1.161 tấn, tăng 2,34% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng Bảy tăng 5,26% so với tháng trước và giảm 8,49% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành kinh tế cấp I, các ngành tăng, giảm tương ứng so với tháng trước và cùng kỳ như sau: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 15,26% và tăng 8,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,31% và giảm 8,71%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,53% và tăng 16,15%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,74% so tháng trước và tăng 5,03% so cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 5,60% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng giảm so với cùng kỳ là do một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của tỉnh tiêu thụ chậm, dẫn đến quá trình sản xuất không tăng, làm giảm chỉ số sản xuất chung của cả ngành.

Dự kiến, tháng Bảy các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 18.529 m3 đá các loại, tăng 18,15% so với tháng trước; 177 tấn chè các loại, tăng 2,58%; 10.000 tấn thức ăn gia súc, tăng 13,02%; 5.152 ngàn quần áo mặc thường, tăng 3,35%; 7.028 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 12,59%; 77.880 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 5,49%; 3.610 xe ô tô các loại, tăng 1,04%; 138.493 chiếc xe máy các loại, tăng 5,22% so với tháng trước… Tính chung bảy tháng đầu năm các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 132.334 m3 đá các loại, tăng 6,42% so với cùng kỳ; 4.600 tấn chè các loại, giảm 22,8%; 69.027 tấn thức ăn gia súc, giảm 13,62%; 27.281 ngàn quần áo mặc thường, tăng 5,98%; 43.926 ngàn m2 gạch ốp lát, tăng 11,88%; 504.963 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét, tăng 4,73%; 21.607 xe ô tô các loại, tăng 18,21%; 1.192.515 chiếc xe máy các loại, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư, Xây dựng

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy dự kiến đạt 322,7 tỷ đồng, tăng 2,65% so tháng trước. Giá trị này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 178,9 tỷ đồng, tăng 2,13%; vốn ngân sách cấp huyện là 77,3 tỷ đồng, tăng 1,74%; vốn nhà nước cấp xã là 66,5 tỷ đồng, tăng 5,19% so với tháng trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do tỉnh và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, tập trung ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm, các dự án phục vụ cho các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; nhiều công trình, dự án mới được khởi công. Bên cạnh đó, các công trình dự án chuyển tiếp được đẩy nhanh tiến độ thi công đã góp phần làm tăng giá trị vốn đầu tư trên địa bàn. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng đạt 2.104,8 tỷ đồng, giảm 9,47% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.174,7 tỷ đồng, chiếm 55,81% tổng số, giảm 25,36% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện đạt 508,4 tỷ đồng, tăng 13,88%; vốn ngân sách cấp xã đạt 421,7 tỷ đồng, tăng 38,32% so với cùng kỳ năm 2013.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

Trong tháng 7/2014 đã thực hiện Cấp mới 06 dự án, vốn đăng ký 33,72 triệu USD, diện tích đất là: 15,24 ha, bao gồm: (1) Công ty cổ phần PRIME – Ngói Việt – KCN Bình xuyên, vốn đầu tư: 10,62 tr USD, diện tích đất 11,7 ha. (2) Nhà máy VIna Union – Vĩnh Phúc, ở Bá Hiến- Bình Xuyên, tổng vốn đầu tư: 15 tr USD, diện tích: 2 ha. (3) Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam – KCN Bình Xuyên, vốn đầu tư: 1,8 tr USD. (4) Công ty AMOTECH CO.,LTD (Hàn Quốc)- KCN Khai Quang, vốn đầu tư: 3 tr USD, diện tích đất: 0,54 ha. (5) Công ty TNHH LX VINA – KCN Bình Xuyên, vốn đầu tư: 0,3 tr USD. (6) Nhà máy sản xuất Công ty TNHH First rubber Việt Nam- KCN Bình Xuyên, vốn đầu tư: 3 tr USD, diện tích đất: 01 ha).

Về cấp giấy chứng nhận Điều chỉnh tăng vốn 02 dự án, vốn đăng ký: 21,6 tr USD; gồm có: (1) Công ty TNHH Partron Vina, KCN Khai Quang, Tăng quy mô SX Lens từ 50 triệu SP lên 80 triệu SP, Vốn tăng 9tr USD. (2) Công ty CP Prime- Tiền Phong, KCN Bình Xuyên, Sản xuất gạch Ceramic cao cấp, Vốn đầu tư 12,7 tr USD.

Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 158 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 2.930 triệu USD, dự kiến sử dụng lao động 7.223 người.

Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI):

Tháng 7/2014 đã cấp GCNĐT : 02 Dự án được chấp thuận đầu tư trước khi Luật đầu tư có hiệu lực, do vậy nhà đầu tư xin đề nghị được cấp GCNĐT

01 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư 535 tỷ VNĐ; diện tích: 27,52 ha        (Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm – Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển đô thị ở Phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc);

01 dự án điều chỉnh tăng vốn 833,45 tỷ đồng tỷ đồng; diện tích: 78,2 ha (Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc – Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển đô thị ở Phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Lũy kế đến nay tổng số toàn tỉnh có 554 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký là 34.690 tỷ VND.

4. Thương mại, giá cả và dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Bảy, tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, kết quả lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong kỳ đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng dự kiến đạt 2.591 tỷ đồng, tăng 1,28% so với tháng trước và tăng 8,47% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể thực hiện bằng 93,74% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân tăng 28,05%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5 lần so cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 18.646 tỷ đồng, tăng 19,06% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước 128,6 tỷ đồng, tăng 2,42 lần; kinh tế tập thể đạt 23,10 tỷ đồng, tăng 1,74%; kinh tế cá thể 10.985 tỷ, tăng 6,34%; kinh tế tư nhân 6.678 tỷ đồng, tăng 35,58%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 832 tỷ, tăng 1,41 lần so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, ngành thương nghiệp bán lẻ đạt 16.147 tỷ đồng, tăng 18,22%; kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 1.617 tỷ đồng, tăng 31,50%; các ngành dịch vụ khác đạt 883 tỷ đồng, tăng 14,18% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Xuất khẩu trên địa bàn tháng Bảy dự kiến đạt khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 124.593 nghìn USD, tăng 1,68% so tháng trước và tăng 30,06% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7.652 nghìn USD, tăng 2,34% so tháng trước và bằng 82,1% so cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 116.941 nghìn USD, tăng 1,63% so tháng trước và tăng 35,23% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong kỳ là hàng dệt may đạt 18.984 nghìn USD, chiếm 15,24%; hàng điện tử 45.082 nghìn USD, chiếm 36,18%; xe máy 28.656 nghìn USD, chiếm 23,0%; chè 3.573 nghìn USD chiếm 2,87% tổng giá trị xuất khẩu. Tính chung bảy tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 754.757 nghìn USD, tăng 52,0% so cùng kỳ. Trong đó kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 700.868 nghìn USD, tăng 59,52%; kinh tế trong nước 53.889 nghìn USD bằng 94,18% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng Bảy dự kiến đạt 166.213 nghìn USD, tăng 1,21% so với tháng trước và tăng 20,60% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 353 nghìn USD, tăng 35,77%; khu vực kinh tế tư nhân ước 6.652 nghìn USD, bằng 68,25%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 159.208 nghìn USD, tăng 24,56% so với cùng kỳ. Hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng là các nguyên vật liệu để gia công sản xuất như: linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, sắt thép, vải may mặc, hàng điện tử. Tính chung bảy tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.062.420 nghìn USD tăng 14,25% so cùng kỳ năm trước.

c. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 0,99% so với tháng Mười hai năm trước và tăng 3,17% so cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng đầu năm, CPI tăng 6,31% so cùng kỳ. Nguyên nhân chính tác động đến CPI tháng này tăng là do một số nhóm hàng thiết yếu tăng như: Thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, giao thông, nhà ở điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng …

Giá vàng tháng Bảy trên địa bàn tăng khá (+1,04%) so với tháng trước. Giá vàng bình quân trên thị trường tự do là 3.392 nghìn đồng/chỉ. Ngược xu hướng với giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường tự do có sự giảm nhẹ (-0,12%) so với tháng trước, giá bán bình quân phổ biến ở mức 21.149 đồng/USD.

d. Vận tải hành khách và hàng hoá

Tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Bảy dự kiến đạt 2.052 nghìn tấn, luân chuyển 136,7 triệu tấn.km, tăng 2,36% về tấn và giảm 0,62% về tấn.km so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng đầu năm, vận chuyển đạt 15.260 nghìn tấn, luân chuyển 1.050,9 triệu tấn.km, tăng 6,09% về tấn và tăng 5,14% về tấn.km so với cùng kỳ năm 2013. Khối lượng hành khách vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng Bảy dự kiến đạt 1.282 nghìn người, luân chuyển 105,7 triệu người.km, tăng 1,60% về người và tăng 3,20% về người.km so cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng đầu năm, vận chuyển đạt 13.801 nghìn người, luân chuyển 838,7 triệu người.km, tăng 2,57% về người và tăng 4,66% về người.km so với cùng kỳ năm 2013. Tổng doanh thu vận tải tháng Bảy dự kiến đạt 233 tỷ đồng tăng 16,24% so cùng kỳ. Tính chung bảy tháng đầu năm đạt 1.753 tỷ đồng, tăng 21,79% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 450 tỷ đồng, tăng 29,56%; vận tải hàng hoá đạt 1.299 tỷ đồng, tăng 19,35% so cùng kỳ.

5. Một số vấn đề xã hội

– Tháng Bảy, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sức khoẻ của nhân dân, nhất là người già và trẻ em. Ngành Y tế đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh mùa hè như cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Tổ chức tiêm chủng mở rộng Viêm não Nhật Bản cho các cháu dưới 3 tuổi; đồng thời tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong kỳ không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

– Công tác tổ chức cho học sinh phổ thông sinh hoạt hè được các trường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện, đảm bảo cho các cháu vui chơi, giải trí lành mạnh. Công tác xét tuyển và thi tuyển các lớp đầu cấp học, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn được ngành Giáo dục thực hiện tốt, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, công bằng.

– Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2014), các địa phương trong tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công. Các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo… của các địa phương tiếp tục nhận được sự đóng góp của cán bộ, các nhà hảo tâm và của nhân dân trong tỉnh.

– Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong sáu tháng đầu năm, với việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, Vĩnh Phúc đã đạt mục tiêu ba giảm về an toàn giao thông. Toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông (gồm 22 vụ tai nạn đường bộ và 01 vụ tai nạn đường sắt) làm chết 20 người, bị thương 7 người. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 4 vụ, giảm 02 người chết và giảm 11 người bị thương.

 

Vân Anh – IPA Vinh Phuc (Tổng hợp từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 7/2014 của Cục Thống kê Vĩnh Phúc)