Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013
Bước vào thực hiện năm kế hoạch 2013 nền kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng vẫn tiếp tục gặp khó khăn song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013 có những chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp đã phục hồi và có mức tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn song với sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh nên kết quả sản xuất đạt khá. Các ngành dịch vụ hoạt động ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Thu ngân sách đạt cao so với năm trước, tạo điều kiện cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Lĩnh vực lao động, việc làm, thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được bảo đảm; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thông tin có tiến bộ. Quốc phòng được tăng cường; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
I – PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Dự kiến cả năm 2013, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh đạt 46.825 tỷ đồng , tăng 7,89% so với năm 2012. Trong đó:
Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh 2010 đạt 3.809 tỷ đồng, tăng 5,09% so với năm 2012, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 0,43 điểm %.
Tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng theo giá so sánh 2010 đạt 30.538 tỷ đồng, tăng 11.12% so với năm 2012, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 7.04 điểm %. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 28.785 tỷ đồng, tăng 12.07%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 7,14 điểm %. Quyết định đến tăng trưởng chung của tỉnh cũng như riêng của ngành công nghiệp chủ yếu là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là ngành sản xuất sản phẩm ô tô và xe máy. Dự kiến, giá trị tăng thêm năm 2013 của ngành công nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22.928,7 tỷ, tăng 13,05%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 6,10 điểm %; khu vực kinh tế trong nước tăng 8,40%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,04 điểm %.
Tổng giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 của các ngành dịch vụ đạt 9.925 tỷ đồng, tăng 5,65% so với năm 2012, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh là 1,22 điểm %. Thu từ hải quan dự kiến đạt 3.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 6,36%; theo giá so sánh 2010 đạt 2.552 tỷ đồng, giảm 11,93% so với cùng kỳ, làm giảm mức tăng trưởng chung của tỉnh là 0,80 điểm %.
Cơ cấu kinh tế năm 2013 của tỉnh Vĩnh Phúc là: Khu vực I: 10,69%; khu vực II: 60,39%; khu vực III: 28,92%.
2. Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:
a) Sản xuất nông nghiệp:
+ Trồng trọt:
Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm dự kiến đạt 96,05 ngàn ha, bằng 99,02% kế hoạch năm và tăng 3,53% so với năm 2012, chủ yếu do tăng diện tích gieo trồng cây vụ đông.
Cây lâu năm: Tổng diện tích hiện có 8,23 ngàn ha, tăng 0,49% so với năm 2012. Trong đó, diện tích các loại cây ăn quả là 7,67 ngàn ha, giảm 0,15% so với năm 2012 (chiếm 93,23% diện tích các loại cây lâu năm) do các hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm đường giao thông…Nhìn chung cây ăn quả của Vĩnh Phúc chủ yếu vẫn là những loại cây phổ biến, dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với điều kiện thời tiết.
+ Chăn nuôi: Năm 2013, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn cơ bản ổn định, không xảy ra những dịch bệnh nguy hiểm. Thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh và nâng cao ý thức của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tiếp tục được thực hiện; công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở, quản lý chặt chẽ vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật tiếp tục được tăng cường, giúp người dân ổn định pháp triển chăn nuôi.
b) Sản xuất lâm nghiệp:
Năm 2013, các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương trồng mới 844ha rừng tập trung, đạt 80,3% kế hoạch năm và tăng 1,75% so với năm trước.
Công tác phòng chống cháy rừng tuy đã được các ngành chức năng chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng tuy đã được cảnh báo thường xuyên, song do ý thức của người dân còn chưa cao nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 08ha. So với năm trước, số vụ cháy rừng tăng 05 vụ, diện tích thiệt hại giảm 25,5 ha (năm 2012 có 4 vụ cháy, diện tích thiệt hại 33,5 ha).
c) Sản xuất thủy sản:
Diện tích nuôi tròng thủy sản năm 2013 đạt 6.926 ha bằng 98,74% kế hoạch năm và giảm 0,81% so với năm 2012. Sản xuất thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh, công tác khuyến ngư được đầu tư và triển khai tích cực.
3. Sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh năm 2013 tăng 14,04% so với năm 2012. Tính chung mười một tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 14,05% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số sản xuất tăng cao gồm: ngành công nghiệp khai khoáng; ngành công nghiệp chế biến; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải; ngành dệt; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, ngành công nghiệp khai khoáng; ngành sản xuất xe có động cơ…
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng đầu năm 2013 tăng 22,27% so cùng kỳ. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 23,89% so với cùng thời điểm năm 2012.
Dự kiến, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 181.485m3 đá các loại, tăng 40,38% so với năm trước; 15.833 tấn chè các loại, tăng 0,14%; 142.682 tấn thức ăn gia súc, tăng 4,16%; 44.979 ngàn quần áo mặc thường, tăng 17,74%; dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử đạt 633 tỷ đồng, tăng 120,52%; 36.435 xe ô tô các loại, tăng 49,78%; 2.429.492 xe máy các loại, tăng 8,27%; 1.444 triệu kwh điện tử thương phẩm, tăng 16,54%; 11.803 ngàn m3 nước thương phẩm, tăng 9,81%…
4. Bán lẻ hàng hóa và các ngành dịch vụ
Năm 2013, mặc dù nền kinh tế còn có những khó khăn nhất định nhưng tình hình kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn luôn có sự phát triển. Nhiều đơn vị, cơ sở đã mở rộng ngành nghề, đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh nên kết quả lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đảm bảo nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trong những năm gần đây và đặc biệt là từ năm 2013, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh hiệu quả những hàng hóa và dịch vụ có giá trị lớn như các loại ô tô, xe máy, các mặt hàng điện, điện tử… điều này đã giúp cho kinh doanh thương mại và dịch vụ trong tỉnh ngày càng phát triển.
II – KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
1. Chỉ số giá tiêu dùng
Tháng 12/2013, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh có những hoạt động nhộn nhịp hơn để chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân phong phú, đa dạng, lượng cung dồi dào. Hầu hết giá cả các mặt hàng ổn định so với tháng trước, chỉ có giá gas là có mức tăng cao từ 78.000 đến 80.000đ/bình. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2013 tiếp tục tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 10,07% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân cả năm tăng 7,93%.
2. Về Đầu tư, Xây dựng:
Công tác xúc tiến đầu tư: Các hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới nhiều chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư được tích cực triển khai như Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2015. Xây dựng dự án cổng thông tin điện tử thành phần thuộc hệ thống Quy định điện tử Việt Nam giai đoạn III tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền trách nhiệm của từng cấp, từng ngành…
Xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm trọng điểm; quan tâm đến xúc tiến đầu tư tại chỗ, xác định đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhằm tạo niềm tin, sự yên tâm của các nhà đầu tư hiện tại và tương lai. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong cũng như ngoài nước như việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản; tham gia chuỗi các sự kiện diễn đàn trong và ngoài nước nhằm quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hản Quốc, Nga, Mỹ, EU.
Kết quả năm 2013 số dự án thu hút (FDI, DDI) tăng cao so với năm 2012 và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể đã thu hút 42 dự án, trong đó gồm 21 dự án FDI, với tổng vồn đăng ký 314,8 triệu USD tăng 3,5 lần về số dự án và 206% về số vốn đăng ký so với năm 2012, đạt 157% kế hoạch; và 21 dự án DDI với 6.247 tỷ đồng vốn đăng ký, bằng 95% về số dự án và tăng 3,34 lần về vốn đăng ký so với năm 2012, đạt 416% kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2013 toàn tỉnh có 675 dự án còn hiệu lực, gồm 137 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2.767,6 triệu USD và 538 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 31.727 tỷ đồng.
Tình hình phát triển hạ tầng các khu công nghiệp: Chỉ đạo quyết liệt trong thu hồi đất ở KCN Bình Xuyên II và KCN Bá Thiện. Kết quả, đã thu hồi 421,3/485,1ha ở KCN Bình Xuyên II và 227/327 ha ở KCN Bá Thiện; đồng thời giao cho Ban quản lý các Khu công nghiệp quản lý phần diện tích đã thu hồi để giải quyết cho những doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất, thuê hạ tầng.
Công tác bồi thường GPMB Khu công nghiệp Tam Dương II được triển khai tích cực. Đã lựa chọn được đơn vị thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng; đến nay đã thu hút được 02 dự án đầu tư DDI, với số vốn đăng ký đầu tư là 4.266 tỷ đồng.
Thu hút các dự án ODA:UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thúc đẩy mạnh mẽ công tác kêu gọi, vận động các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, coi đây là nguồn vốn quan trọng góp phần phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh theo Quy hoạch chung đô thị, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
III – BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Dân số, lao động, việc làm
Dân số bình quan toàn tỉnh năm 2013 dự kiến là 1.027.000 người, tăng 0,63% so với năm 2012. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế đạt 620.400 người, tăng 0,15%. Lao động, việc làm và dạy nghề được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động ra nước ngoài, nhất là sang thị trường Nhật Bản.
2. Công tác an sinh xã hội
Các chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được các cấp các ngành quan tâm và thực hiện theo đúng quy định. Công tác bảo hiểm xã hội tiếp tục được quan tâm, UBND tỉnh đã từng bước tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 49-CTr/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020. Đến nay, tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 67%, tăng 6% so với năm 2012.
3. Về giáo dục, đào tạo
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện đổi mới công tác đào tạo và dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường; xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh; đổi mới cơ cấu phân bổ vốn đầu tư lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng giảm vốn đầu tư một số công trình chưa thực sự cần thiết thuộc khối THPT và khối đào tạo, dạy nghề để bổ sung vốn cho khối mầm non, tiểu học và THCS các trường thuộc xã miền núi khó khăn và 20 xã điểm nông thôn mới.
4. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Mạng lưới y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển trên các lĩnh vực. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuẩn hóa y tế xã giai đoạn 2013 – 2020 , UBND tỉnh đã phê duyệt đề án về xây dựng Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa ung bướu, chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi đến 2020 là cơ sở để các cấp các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Công tác y tế dự phòng được triển khai tích cực và chủ động, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, vật tư, hóa chất để sẵn sàng dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra và được Bộ Y tế đánh giá tốt.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, báo chí, phát thanh, truyền hình sôi nổi, phong phú, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội lớn của đất nước và của tỉnh. Công tác quản lý di tích và hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm.
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên, thể thao thành tích cao được chú trọng.
Chất lượng và thời lượng phát sóng truyền hình phát thanh, truyền hình được cải thiện đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và góp phần nâng cao dân trí. Từ 01/01/2013 Vĩnh Phúc đưa vào sử dụng hệ thống phát sóng kênh Truyền hình Vĩnh Phúc trên vệ tinh Vinasat 2.
6. Tình hình giao thông
Tiếp tục mở các đợt cao điểm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lưu động và theo từng chuyên đề cụ thể để nâng cao hiệu quả góp phần làm giảm tai nạn và hậu quả do tai nạn gây ra.
7. Thiệt hại do thiên tai
Do ảnh hưởng cơn bão số 5 và số 6 có mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây thiệt hại về người và tài sản, ước tính tổng giá trị thiệt hại do bão gây ra khoảng 87 tỷ đồng. Ngay sau bão, chính quyền các cấp đã chủ động cùng nhân dân địa phương khắc phục hậu quả, nhanh chóng giải quyết các thủ tục và hỗ trợ thiệt hại cho các gia đình có người chết theo quy định, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân.
(Tổng hợp từ Báo cáo tình hình KTXH năm 2013 của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc)
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh