Thứ Năm, 30/07/2020 19:46:17 (GMT+7)

Tình hình hoạt động Hệ thống đường dây nóng tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2020

Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị phản ánh kiến nghị (PAKN) của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh là kênh thông tin tương tác với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống đường dây nóng đã tiếp nhận và trả lời 50 câu hỏi do các tổ chức, doanh nghiệp trong đó có 11 PAKN của các tổ chức doanh nghiệp (đều là doanh nghiệp FDI), chiếm 22% tổng số kiến nghị, 49 PAKN của người dân, chiếm 78% tổng số kiến nghị (riêng trong tháng 6/2020 tăng 18 kiến nghị, chiếm gần 40% tổng số kiến nghị của 6 tháng) và 100% các phản ánh kiến nghị này đều được tiếp nhận qua website Hệ thống.

Các phản ánh kiến nghị tập trung nhiều vào các lĩnh vực như: thuế, vệ sinh môi trường, đất đai, cấp phép đầu tư, xử phạt vi phạm giao thông, bảo hiểm, trật tự an toàn xã hội,…có liên quan đến 17/69 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ 42 phản ánh, kiến nghị đã được gửi tới các cơ quan  đơn vị thành viên để xem xét, giải quyết.

Đến 30/6/2020, các cơ quan, đơn vị thành viên đã xem xét, giải quyết đúng và trước hạn 41 phản ánh, kiến nghị (chiếm tỷ lệ 88%), giải quyết chậm hạn 18 phản ánh, kiến nghị (chiếm tỷ lệ 12%). Còn 6 phản ánh, kiến nghị chưa hết hạn giải quyết tính đến thời điểm ngày 30/6/2020.

Các đơn vị nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị là: Sở Kế hoạch và Đầu tư (11 PAKN), Sở Tài nguyên và Môi trường (4 PAKN) , Cục Thuế tỉnh (4 PAKN), Sở Tài chính (3 PAKN). Các PAKN của doanh nghiệp, người dân tập trung vào một số vấn đề bức xúc trong xã hội như: giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng, tài nguyên môi trường, vệ sinh môi trường, …

Trong số các đơn vị nhận được PAKN, có nhiều đơn vị thực hiện phúc đáp kịp thời và đúng hạn 100% số PAKN tiếp nhận, điển hình là: Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, Ban Quản trị hệ thống, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp.

Với quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cũng như sự vào cuộc tích cực của các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành viên, công tác tiếp nhận, giải quyết PAKN của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hầu hết tổ chức và cá nhân gửi PAKN đều hài lòng với nội dung phúc đáp vì đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Hệ thống đã nhận được 9 bình luận tích cực trên website từ phía người dân bày tỏ thái độ ủng hộ và đề nghị tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về Hệ thống tới toàn bộ người dân. Một số cơ quan, đơn vị thành viên sau khi phúc đáp nhiều PAKN cũng cam kết sẽ nghiêm túc tiếp thu, cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện công tác phục vụ.

Ngoài ra, trong thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng hoạt động của Hệ thống tiếp nhận, giải quyết các phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc (Hệ thống đường dây nóng) cũng được quan tâm. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Hệ thống đường dây nóng đã bộc lộ nhiều hạn chế do công nghệ nền tảng đã cũ ảnh hưởng tới khả năng bảo mật và hiệu năng của phần mềm, nhu cầu thực tế của người dùng và cơ quan quản lý, vận hành đã có nhiều thay đổi (nhu cầu tương tác trên thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại di động, các nghiệp vụ trên hệ thống, các quy định mới, … ), trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho thực hiện các thủ tục tiếp theo về nâng cấp hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ phụ trách chuyên môn trong xử lý PAKN của Đường dây nóng (dự kiến hoàn thành trong Quý IV/2020).

Trong quá trình triển khai Hệ thống đường dây nóng, hạn chế tập trung chủ yếu ở một số vấn đề như: Công tác trả lời PAKN của một số cơ quan, đơn vị  chậm (cá biệt lên tới 01 tháng dù đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở); Việc cập nhật ý kiến của người dân doanh nghiệp vẫn thủ công qua website, chưa đảm bảo tính thời sự, chưa xử lý ngay được các bức xúc cho người dân.

Nguyên nhân được đánh giá một phần cũng do trong số phản ánh, kiến nghị nhận được của người dân, một số kiến nghị có nội dung phản ánh chưa rõ ràng, hoặc quá chung chung, không nêu cụ thể vấn đề cần phản ánh, kiến nghị. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc phân xử lý tới các cơ quan thành viên. Đồng thời, các cơ quan thành viên do không có đủ thông tin, cũng như không thể liên hệ với người phản ánh, kiến nghị để làm rõ nên việc phúc đáp vì thế mà bị hạn chế. Bộ phận nhỏ cán bộ đầu mối của một số đơn vị thành viên chưa nghiêm túc trong việc thường trực tiếp nhận PAKN của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá về Hệ thống còn hạn chế, đa số người dân, doanh nghiệp chưa biết đến các phương tiện phản ánh kiến nghị lên Đường dây nóng (chủ yếu phản ánh qua website, ngoài ra không có các phản ánh qua tin nhắn, qua điện thoại,…).

Để nắm bắt thông tin kịp thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thường xuyên thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, các kênh thông tin phản ánh, kiến nghị, khó khăn vướng mắc để người dân dễ dàng tiếp cận, phản ánh. Sở Kể hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao Trung tâm hành chính công tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành có thủ tục hành chính liên quan chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, người dân và giảm thiểu các biể hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp tạo môi đầu tư thông thoáng hấp dẫn, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; theo dõi sát sao tiến độ và quá trình xử lý, trả lời phản ánh của người dân, doanh nghiệp, có văn bản báo cáo UBND tỉnh và cơ quan thường trực biết để theo dõi, tổng hợp.

Trần Huyền Trang