Thứ Ba, 18/05/2021 21:23:15 (GMT+7)

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2021

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh ở hầu hết các nhóm ngành đều gặp khó khăn, cùng với tâm lý e ngại, thận trọng của các nhà đầu tư khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên địa bàn tỉnh đang có xu hưởng giảm.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2021

Số liệu so sánh đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020

Cụ thể theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc:

Tính đến tháng 5/2021, cả tỉnh có 632 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020 với tổng số vốn đăng ký đạt 6143 tỷ đồng; Trong đó công ty cổ phần: 21 doanh nghiệp, Công ty TNHH 2 thành viên: 62 doanh nghiệp, công ty TNHH một thành viên: 117 doanh nghiệp

Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại 228 doanh nghiệp tăng 54,%; 69 doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 40,8%. Có thể thấy rằng so với cùng kỳ năm 2020 đã có những ảnh hưởng tuy nhiên chưa thật sự rõ rệt, cụ thể số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã có sự gia tăng đáng kể sau khoảng thời gian ứng phó, phòng chống dịch bệnh Covid-19 một cách quyết liệt và hiệu quả với những biện pháp chủ động ứng phó kịp thời của UBND tỉnh qua đó sớm đưa doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là tín hiệu tich cực cho thấy mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hầu hết doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp tìm được hướng kinh doanh mới, tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 5 tháng đầu năm 2021 cũng thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh, chờ giải thể hay giải thể doanh nghiệp ở thời điểm này.

Một số ngành có thể thấy ngay mức độ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, tuy nhiên một số ngành bị ảnh hưởng gián tiếp do thu nhập người dân giảm, giảm mua sắm như bất động sản, thời trang. Những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn có thể cầm cự được nhưng với những DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn vốn còn hạn chế thì đây là khó khăn lớn.

Qua một số khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn về lao động, nguồn nhân lực, nhiều đối tượng thuộc các trường hợp F1,F2, đối tượng ngoài tỉnh đang bị cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân sự. Ngoài ra dịch Covid xảy ra việc hạn chế đi lại, thông thương đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, cung ứng, vận chuyển….Các DN này thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng đã đặt trước, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của DN

Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch Đầu tư tiếp tục tăng cường kết nối, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch Covid-19./.

Lương Hồng Phúc