Thứ Sáu, 08/12/2023 10:05:38 (GMT+7)

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp và môi trường đầu tư thông thoáng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định nội bộ về quy trình, TTHC không phù hợp; thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát nội bộ tại các cơ quan, tổ chức có chức năng, thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến thực hiện TTHC…

Từ đó, lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã tạo sự chuyển biến rõ rệt: Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp dưới 3 ngày; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tuyến đạt gần 100%; tỷ lệ trả lời doanh nghiệp và người dân trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền đúng hạn và trước hạn đạt 100%…

Nhờ đó, các chỉ số trong lĩnh vực CCHC của Vĩnh Phúc trong những năm gần đây luôn nằm trong top đầu các địa phương trên cả nước, nổi bật là Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố và xếp vị trí thứ 4/11 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng, tiếp tục lọt vào nhóm 7 địa phương dẫn đầu cả nước.

Riêng Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh (PAPI) năm 2022 xếp thứ 9/63 tỉnh thành phố (tăng 14 bậc so với năm 2021); Chỉ số PCI xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố.

Với phương châm: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của nguời dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước”, đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa UBND phường Trưng Nhị (Phúc Yên) đẩy mạnh giải quyết TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp thông qua phần mềm quản lý điều hành trên môi trường điện tử.

Từ 1/1 – 16/11/2023 đã tiếp nhận, giải quyết đúng và trước hạn 1.104/1.117 TTHC, trong đó TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt trên 90%.

Phó Chủ tịch UBND phường Trưng Nhị Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: “Thực hiện tốt công tác CCHC ở địa phương đã và đang góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, tạo được niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy KT – XH trên địa bàn ngày một phát triển”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) phục vụ người dân, doanh nghiệp, năm 2023, Sở Nội vụ đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại 8/20 cơ quan, đơn vị và 3/9 UBND cấp huyện. Qua kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiến nghị các cơ quan khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC của tỉnh, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các nội dung duy trì, nâng cao Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Triển khai xác định Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn CCHC theo kế hoạch đã đề ra; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Xác định cải cách TTHC là khâu đột phá, tạo động lực mạnh mẽ phát triển KT – XH, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 9613 về việc triển khai Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tập trung rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí của người dân, doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ danh mục, TTHC theo quy định. Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định của Chính phủ.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát TTHC thuộc thẩm quyền quản lý hiện nay chưa được tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC để cấu hình, thực hiện tiếp nhận, giải quyết và liên thông, đồng bộ với Cổng DVC Quốc gia giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện…

Baovinhphuc