Thứ Sáu, 08/12/2023 9:59:49 (GMT+7)

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, song, do quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ sản xuất… hạn chế, bên cạnh đó, tình hình suy thoái kinh tế thế giới và trong nước đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giúp các DNNVV phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD), nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển tương xứng với tiềm năng.

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng và linh hoạt tìm kiếm đơn hàng mới, Công ty TNHH Chung Thảo, xã Quang Yên (Sông Lô) đã duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm ổn định cho 100 lao động với thu nhập khá

Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên tổ chức Hội nghị phổ biến hướng dẫn trình tự thụ hưởng các chính sách hỗ trợ DNNVV theo Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025 và kế hoạch của UBND tỉnh, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia.

Tại các hội nghị doanh nghiệp đã được giải đáp những vướng mắc trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của tỉnh về thuế, tín dụng, thị trường, lao động… nhằm giúp từng bước vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi và ổn định SXKD, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của địa phương.

Với vai trò là cơ quan đầu mối về hỗ trợ DNNVV, nhằm phổ biến các nội dung của Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện đăng tải Đề án lên Cổng Thông tin Quốc gia về doanh nghiệp; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức các hội nghị phổ biến các chính sách pháp luật có liên quan.

Hỗ trợ doanh DNNVV tiếp cận vốn vay ưu đãi, năm 2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2- 1,5%/năm ở các kỳ hạn; tiết giảm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho may mới (mức giảm từ 1,5 – 2%/năm).

Trong đó, tập trung thực hiện chính sách tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực SXKD như nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tham gia vận hành, duy trì Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh trên hệ thống http://duongdaynong.vinhphuc.gov.vn; tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng điện, thu hút đầu tư…

Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tổng kinh phí hỗ trợ các DNNVV trong năm là hơn 53 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ tư vấn là 17,6 tỷ đồng, hỗ trợ công nghệ 14,5 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hơn 6,8 tỷ đồng và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gần 6,8 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ đã và đang tiếp sức cho các DNNVV từng bước hồi phục và phát triển SXKD. Tuy nhiên, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trong các Đề án, chính sách về các nội dung như tiếp cận vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, tham gia cụm liên kết ngành… vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, chưa hợp lý.

Đơn cử như về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, trong năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước, số lượng đơn hàng giảm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động SXKD buộc phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên có hưởng lương để giữ chân người lao động…

Mặt khác, ở một số doanh nghiệp nếu ký được đơn hàng nhưng chủ yếu mang tính ngắn hạn có nhu cầu sử dụng lao động phổ thông là chủ yếu, một số đơn vị sắp xếp lại lao động phù hợp với tình hình của doanh nghiệp nên chưa có nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động.

Hay với gói tín dụng hỗ trợ 120.000 tỷ đồng có điều kiện quá chặt chẽ, vì vậy chưa có dự án nào trong tỉnh đủ điều kiện được cấp phép và nằm trong danh mục được Bộ Xây dựng công bố; thực hiện Thông tư số 06, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vay vốn ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác do thủ tục cho vay phức tạp, tương tự như một khoản vay mới…

Trước thực tế này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho SXKD, tăng khả năng hấp thụ vốn cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 284/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ DNNVV trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đề án, tỉnh dành gần 41 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp về tư vấn, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị…

Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, các DNNVV cũng cần nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào hoạt động SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh, ý thức chấp hành quy định của pháp luật trong tiếp cận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.

Baovinhphuc