Thứ Tư, 08/11/2023 14:37:52 (GMT+7)

Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề cạnh tranh trở nên gay gắt, so với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải rất nhiều hạn chế trong tiếp cận thị trường, tín dụng, đất đai… Thực trạng trên đòi hỏi cần có giải pháp, chính sách đột phá để tạo đường băng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cất cánh, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế tỉnh nhà.

Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Xác định khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng doanh nghiệp, phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Điều này được thể hiện trong Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, Đề án được triển khai theo 4 nội dung chính gồm: Nhóm hỗ trợ chính sách chung về thông tin, pháp lý, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, thuế, kế toán, phát triển công nghệ, nguồn nhận lực…; hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị. Năm 2023, tỉnh đã dành hơn 53 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, kinh phí hỗ trợ tư vấn là 17,6 tỷ đồng; hỗ trợ công nghệ 14,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hơn 4 tỷ đồng; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hơn 6,8 tỷ đồng; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gần 6,8 tỷ đồng.

Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ưu đãi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc quy định về lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2% – 0,5%/năm ở các kỳ hạn; tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và các lĩnh vực ưu tiên.

Nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo về công nghệ thông tin, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm… Cùng với đó là Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn năm 2021 – 2025.

Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách của tỉnh cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, những năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong tổng số 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới khá nhiều nhưng cũng có tới hàng trăm doanh nghiệp rời bỏ thị trường mỗi năm. Nếu như năm 2022, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm ngừng sản xuất hoặc giải thể là 600 doanh nghiệp thì chỉ trong 10 tháng năm 2023, số lượng lên tới 740 doanh nghiệp, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, hoạt động của khu vực này cũng đang gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như: Vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn lao động chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ… Đặc biệt, trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải liên tục đối diện với khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến đơn hàng chỉ bảo đảm 35 – 50% năng lực sản xuất…

Ông Trần Quang Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Đại Cát, chuyên sản xuất băng dính, băng keo, màng PE công nghiệp tại thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Sau hơn hai năm chống chọi với đại dịch, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, Đại Cát nói riêng vẫn chưa thể phục hồi. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào, cước vận chuyển, xăng dầu… thời gian gần đây liên tục tăng, dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía các ngành chức năng, nhất là nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bởi nếu thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng kế hoạch mở rộng đầu tư, thu hẹp sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản”.

Để nâng cao sức đề kháng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trên thế giới được ký kết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ… Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025.

vinhphucgov.vn