Tiềm năng du lịch phong phú của Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Thủ đô. Vĩnh Phúc có nhiều tuyến giao thông quốc gia: đường sắt, đường bộ, đường sông quan trọng chạy qua và gần sân bay quốc tế Nội Bài. Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử – văn hóa lâu đời, với hàng trăm di tích lịch sử – văn hóa đậm đà bản sắc và các danh lam cảnh thắng nổi tiếng.
Vĩnh Phúc giờ đây đang được coi là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, là một điểm đến du lịch quan trọng ở miền Bắc và Việt Nam
Du lịch tâm linh
Tây Thiên Cổ tự
Từ bao đời nay, Tây Thiên luôn là nơi có sức hút đối với du khách hành hương về bái Phật, bởi đây là một vùng non nước tuyệt đẹp, lại là nơi giao thoa của văn hoá đạo Phật với đạo thờ Mẫu của người Việt. Đã qua nhiều thế kỷ, nhưng Thây Thiên vẫn còn đó bao cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, cổ xưa với rừng Tây Thiên có những cây thông đến ngàn năm tuổi.
Khu danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Tương truyền từ xa xưa vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân (trên đỉnh núi Tam Đảo) để cầu tự khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu và rước bà về làm vợ. Sau đó ngài Khương Tăng Hội – một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật.
Cáp treo Tây Thiên
Hệ thống Cáp treo Tây Thiên giúp du khách thỏa sức khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của Tây Thiên.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Cách Hà Nội khoảng 85 km, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Thiền viện khởi công xây dựng từ ngày 4/4/2004 ngay cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên, trên nền ngôi chùa Thiên Ân cổ với tổng số vốn đầu tư 30 tỷ đồng, có diện tích rộng 4,5 ha, rừng ngoại vi rộng 50 ha.
Thiền Viện Trúc Lâm là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Không chỉ là ngôi chùa có kiến trúc hoành tráng nhất miền bắc Việt Nam, đây còn là một trong 3 thiền viện lớn nhất nước.
Đến đây vào mùa hè, đứng dưới chân núi nhìn lên, thiền viện thấp thoáng trong rừng thông và mây ngàn. Khi lên đến đỉnh núi, là một cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, vẻ đẹp thoát tục của một thiền viện ẩn mình giữa mây, rừng thông và núi Ba Vì, Tam Đảo xa xa.
Đại Bảo tháp Tây Thiên:
Ngôi Đại Bảo tháp ở Tây Thiên (xã Đại Đình – huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc) có quy mô rất lớn, là một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật Kim Cương Thừa chưa từng có từ trước đến nay tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đó là biểu tượng cho đại trí tuệ của Phật.
Đại Bảo tháp Tây Thiên chính thức khởi công xây dựng vào 16/3 (âm lịch), được thiết kế ba tầng, cao 29m (tại xã Đại Đình- huỵên Tam Đảo- tỉnh Vĩnh Phúc).
Đích thân Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã lựa chọn, đặt địa điểm, tự tay thiết kế, chọn ngày cát tường động thổ ngôi Bảo Tháp linh thiêng. Khu đất được chọn có địa thế Long chầu Hổ phục, là nơi quy tụ linh khí của đất trời Tây Thiên. Toàn Bảo tháp nằm trên một vùng đất phong quang bằng phẳng, ba bề được các rặng núi Tam Đảo ôm bọc và phía trước xa xa có đồi Mắt Rồng làm án sơn.
Trong đạo Phật, đặc biệt trong quan kiến Kim Cương thừa, bảo tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí). Ba phần của tháp tượng trưng cho “Thân Khẩu Ý” giác ngộ của Đức Phật.
Chùa Hà Tiên
Chùa Hà Tiên (thường được gọi là chùa Hà), thuộc xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa nằm ngay bên quốc lộ 2B từ thành phố Vĩnh Yên lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Đây là ngôi chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Chùa đã được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1995.
Chùa Hà vừa là nơi thờ phật, vừa là phật học đường nơi truyền bá tri thức giáo pháp cho nhiều thế hệ tăng ni, cư sĩ qua hàng trăm năm, và cũng là nơi thờ bà thánh mẫu Năng Thị Tiêu. Đặc biệt nơi đây đã từng lưu dấu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại những đi sản còn lại của chùa còn lại như: Cây hương đá, tấm bia đá hai mặt, hai con voi đá, khu vườn mộ, tháp sư và giếng ngọc.
Thấy rõ được những giá trị và ý nghĩa lịch sử của di tích chùa Hà Tiên, để đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế văn hoá – xã hội của tỉnh. UBNĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng khu di tích chùa Hà Tiên với tổng diện tích gần 6ha.
Chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII, được trùng tu, tôn tạo, mở rộng từ năm 2005 đã trở thành một trung tâm Phật học lớn có một quần thể kiến trúc truyền thống đẹp, hài hòa với cảnh quan mà vẫn bảo tồn được nhiều di sản quý, là điểm du lịch văn hóa tâm linh của Phật tử và nhân dân trong tỉnh và cả nước.
Du lịch sinh thái
Tam Đảo đẹp mộng mơ
Cái tên Tam Đảo đã quá quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Nhưng không ít người biết rằng cái tên Tam Đảo hình thành là do ba ngọn núi cao Thạch Bàn, Thiên Thị và Phú Nghĩa nhô lên trên biển mây hợp lại. Khu nghỉ mát Tam Ðảo được người Pháp phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19. Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy. Trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Đảo cảnh sắc tuyệt vời, vừa thơ mộng vừa như u tịch, vừa hùng vĩ, vừa huyền ảo trong cảnh mây gió, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi. Thế nên Tam Đảo là nơi lý tưởng cho du khách nghỉ dưỡng cuối tuần sau một tuần làm việc vất vả. Không khí trong lành, mát mẻ của Tam Đảo gợi cho du khách cảm giác êm ả, thướt tha đến mê hồn.
Hồ Đại Lải
Hồ Đại Lải là một hồ nước nhân tạo lớn, nằm ngay chân núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã Ngọc Thanh – Thị xã Phúc Yên – Vĩnh Phúc, cách Hà Nội 40km. Từ sân bay Quốc tế Nội Bài rẽ sang quốc lộ 2A qua Xuân Hoà tới khu du lịch Đại Lải khoảng 20km.
Xưa kia, vùng hồ là một thung lũng cằn cỗi nằm giữa một bên là dải núi Thằn Lằn, một bên là các đồi trọc trải dần ra từ phía chân dãy Tam Đảo. Bộ Thuỷ lợi đã khảo sát, thiết kế xây dựng hồ chứa nước Đại Lải. Công trình được khởi công vào năm 1959, đến năm 1963 cơ bản hoàn thành với mặt hồ rộng 525ha.
Tọa lạc trong một khu vực rộng lớn, mặt hồ xanh ngắt in bóng dãy Tam Đảo, núi Thằn Lằn cùng sắc trời tạo nên bức tranh thiên nhiên hữu tình. Ở đây khách du lịch có thể dạo chơi, ngắm cảnh, đi du thuyền mặt nước, tắm mát, câu cá, leo núi, đi rừng hoặc có thể đi thăm làng bản người Sán Dìu, nghe hát Soọng Cô, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoặc thăm hang Dơi, đi dạo trong các cánh rừng thông bạt ngàn…
Làng gốm Hương Canh
Làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nằm ngay bên đường quốc lộ số 2. Tương truyền sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Văn Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làng nghề cang chĩnh. Cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm. Làng gốm chuyên làm vại, chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành. Với đặc điểm chống được sự thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong, từ xưa gốm ở đây rất được người dân ưa chuộng.
Tháp Bình Sơn
Tháp Bình Sơn thuộc địa phận thôn Bình Sơn, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháp là một di sản của kiến trúc độc đáo cao gần 16m, được xây dựng vào đời Lý – Trần. Tháp có 11 tầng, mỗi tầng có mái nhô ra. Lòng tháp rỗng, bệ tháp hình vuông mỗi cạnh là 4,45m. Tháp được thu nhỏ dần đến đỉnh. Tầng trên cùng của tháp mỗi cạnh 1,55m. Tháp được xây bằng gạch nung già, màu đỏ sậm, rắn chắc như sành, bệ tháp được xây bằng gạch vồ. Mặt ngoài ở các tầng tháp ốp gạch mịn mặt, màu vàng sậm, hoa văn trang trí và đường nét rất tinh xảo, hài hoà tạo thành khối kiến trúc hoàn hảo ở mọi góc độ. Đến thăm tháp Bình Sơn, du khách đừng quên ghé chùa Vĩnh Khánh, ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ thời vua Tự Đức (1883) và cây đại thụ 500 tuổi trong khu vực này.
Dịch vụ vui chơi giải trí
Vĩnh Phúc có nhiều khu vui chơi, nghỉ mát đạt tiêu chuẩn quốc tế như Flamingo Đại Lải Resort, khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ Đô, Sân Golf Tam Đảo, Sân Golf nam đầm Vạc, Sân Golf Ngôi Sao Đại Lải…
Bên cạnh đó là hàng loạt khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ giải trí đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng du khách.
Văn hóa lễ hội
Chọi trâu Hải Lựu
Có thể nói, lễ hội chọi trâu tại Hải Lựu – Sông Lô, Vĩnh Phúc cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, Thừa tướng của nhà Triệu là Lữ Gia rút quân về vùng Hải Lựu để tổ chức chống giặc. Sau mỗi chiến thắng, ông lại cho tổ chức trọi trâu để động viên quân sĩ rồi giết thịt để khao quân. Lễ hội từng có thời gian bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều lý do khác. Đến năm 2002 mới được khôi phục lại nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ của một lễ hội cổ.
” Dù ai đi đâu về đâu
nhớ ngày mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
tháng giêng mười bảy thì về chọi trâu “
Lễ hội đúc bụt ở Đồng Tĩnh
Hàng năm vào ngày mồng 8 tháng Giêng – mùa lễ hội – cũng như bao làng quê khác, nhân dân thôn Phù Liễn – xã Đồng Tĩnh – huyện Tam Dương lại tổ chức lễ hội truyền thống: Hội “Đúc Bụt” để ôn lại một truyền tích đáng tự hào, mà ở trong tỉnh Vĩnh Phúc chỉ riêng làng Phù Liễn mới có lễ hội đặc biệt này.
Theo các cụ già ở địa phương kể lại, tương truyền lễ hội “Đúc Bụt” là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đã có từ rất lâu, nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa, một nữ tướng tài ba, chí dũng vẹn toàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng đền nợ nước, trả thù nhà, diệt giặc Tô Định những năm 40 sau Công nguyên đã từng được ghi vào chính sử.
Hội bơi trải Tứ Yên
Ở nước ta, tục bơi trải đã có từ xa xưa và có ở nhiều nơi, đây là hình thức luyện quân thuỷ của cha ông ta, tinh thần đoàn kết của những đội thủy binh rồi trở thành cuộc đua tài của các thôn, xóm nhân kỳ tiệc làng gắn với lễ thức cầu mùa màng, trồng trọt của các làng xã dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Lô. Dọc dòng sông Lô, hội bơi trải hiện nay chỉ có ở Bạch Hạc – Việt Trì – Phú Thọ và Tứ Yên – Sông Lô – Vĩnh Phúc.
Hàng năm Tứ Yên có nhiều các kỳ lễ hội làng nhưng hội bơi trải là một trong những hội hấp dẫn và quan trọng nhất. Tứ Yên tổ chức hội bơi trải vào 2 ngày 25,26 tháng 5 âm lịch hàng năm, hội bơi trải mở vào dịp này chính là hình thức khai hạ, mừng nước vốn có từ lâu đời ở vùng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023