Thứ Tư, 20/11/2013 7:38:50 (GMT+7)

Tích cực hỗ trợ công tác GPMB dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên

Toàn bộ các hạng mục của dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên (gói thầu CP-3) đang được triển khai khẩn trương với mục tiêu cuối năm 2013 đưa vào khai thác đồng bộ. Tuy nhiên, tại một số hạng mục trong gói thầu này đang còn không ít vướng mắc, cản trở tiến độ thi công.

Trong khi chính quyền các cấp của tỉnh đang tích cực khẩn trương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công đưa vào sử dụng dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên vào khai thác thì một số ít người dân nằm trong vùng phải di dời đã và đang gây không ít trở ngại cho nhà đầu tư, khiến dự án bị chậm tiến độ và gây bức xúc cho nhân dân.   

Được biết dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên do UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư, được triển khai bằng nguồn vốn ODA-JIBC Nhật Bản. Dự án bao gồm các hạng mục: Xây dựng mới hệ thống cống thoát nước chung bê tông cốt thép dài 8,6km, cống thoát nước thải sinh hoạt dài 25,4km; 5 trạm bơm nước thải theo kiểu chìm hoàn toàn và xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 5000m3/ngày đêm. Trạm xử lý nước thải được xây dựng trên diện tích hơn 4,4ha và 5 trạm bơm chuyển bậc trên diện tích 250m2. Giai đoạn I của dự án thoát nước và xử lý nước thải Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư là hơn 430,6 tỷ đồng, trong đó, phần xây lắp, thiết bị hơn 230 tỷ đồng, còn lại là chi phí cho phần đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), tư vấn, chi Ban QLDA, chi khác và dự phòng. Vốn vay ODA chiếm 85%, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.

Cuối năm 2011, dự án chính thức khởi động GPMB đối với các hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Nhờ làm tốt công tác tuyền truyền vận động, nên hầu hết người dân đã thực hiện di dời và bàn giao mặt bằng cho Ban dự án thi công. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 hộ dân tại xã Quất Lưu không bàn giao mặt bằng khiến công trình bị chậm tiến độ.

Theo Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đối với công tác bồi thường, GPMB tổng diện tích thu hồi của dự án là 52.600m2, đã bồi thường GPMB 51.407m2 đạt 98%. Riêng hạng mục xây dựng Trạm xử lý nước thải tại xã Quất Lưu, liên quan đến thu hồi đất của 104 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi tại xứ đồng Vườn Khủa, xã Quất Lưu; trong khi đó có 101 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi đã chấp hành nhận tiền đền bù và không có kiến nghị về các phương án đền bù, GPMB theo quy định của pháp luật, chỉ còn lại 1.193m2 của 3 hộ dân là bà Nguyễn Thị Núi (Diện) ở thôn Núi, ông Nguyễn Văn Hùng (Lược) và bà Nguyễn Thị Đúc ở thôn Chũng, xã Quất Lưu (Bình Xuyên) vẫn cố tình chống đối, không bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, gây lãng phí tiền của.

Theo đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Đúc, gia đình bà hoàn toàn chấp hành việc tỉnh lấy đất để xây dựng Trạm xử lý nước thải, nhưng không chấp nhận phương án bồi thường như 101 hộ gia đình, cá nhân trong thôn Núi và thôn Chũng. Gia đình bà Đúc yêu cầu Hội đồng bồi thường (HĐBT) và GPMB tính bồi thường 643m2 diện tích đất nông nghiệp theo đất quỹ I, trong khi đó diện tích đất quỹ I của hộ gia đình bà chỉ có 216m2, còn lại là đất quỹ II, nhưng theo hồ sơ địa chính và kết quả làm việc của HĐBT GPMB, Thanh tra Sở TN&MT, Thanh tra tỉnh… thì ý kiến của hộ gia đình bà Đúc – Sơn không đủ cơ sở để tính bồi thường toàn bộ diện tích đất thu hồi là đất quỹ I.

Đối với đơn kiến nghị của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Núi và ông Nguyễn Văn Hùng thì lại đề nghị HĐBT GPMB tính bồi thường theo giá đất mới năm 2012 và 2013 (cao gấp 3 lần so với giá đất cũ). Nhưng tại thời điểm thu hồi đất của 104 hộ ở xứ đồng Vườn Khủa, xã Quất Lưu là năm 2007 và đã điều chỉnh theo giá đất năm 2008. Vì vậy, đến thời điểm này, 2 hộ gia đình Núi – Diện và Hùng – Lược vẫn chưa chịu bàn giao đất cho đơn vị thi công.

Trước những kiến nghị thái quá của 3 hộ gia đình nói trên, Chủ tịch HĐBT GPMB dự án cho biết: Về những kiến nghị trái với quy định của 3 hộ dân ở thôn Núi và thôn Chũng, UBND xã Quất Lưu (Bình Xuyên) và HĐBT GPMB của tỉnh đã nhiều lần đến làm việc và thực hiện kiểm kê, kiểm đếm để lên kế hoạch đền bù, tuyên truyền về các quy định của Nhà nước, đồng thời thuyết phục và yêu cầu các hộ tích cực hợp tác để công tác GPMB được thuận lợi nhưng cả 3 hộ trên vẫn không chịu hợp tác với đoàn và có tư tưởng chống đối. Việc thực hiện đền bù, trình tự, thủ tục được thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình, do đó những kiến nghị của gia đình bà Đúc, bà Núi, ông Hùng là không có cơ sở. UBND tỉnh đã giao UBND huyện Bình Xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện.

Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khắc phục tình trạng ngập úng, cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho toàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, khối lượng thi công gói thầu CP-3 mới đạt 82,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 17% so với kế hoạch. Hiện nay, nhà thầu đang thực hiện các thủ tục nhập máy móc, thiết bị để nghiệm thu, lắp đặt.

Dự kiến gói thầu CP-3 sẽ kết thúc hợp đồng vào cuối tháng 11-2013, nhưng thời gian còn lại rất ít cho công tác thi công, vận hành chạy thử và bàn giao. Do vậy, dự kiến sẽ không hoàn thành đúng được theo thời gian quy định. Hiện nhà thầu đã có văn bản đề nghị gia hạn hiệu lực hợp đồng đến tháng 5-2014.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, UBND tỉnh cùng với các đơn vị liên quan cần giải quyết các vướng mắc tồn tại, nhất là mặt bằng thi công. Việc đẩy nhanh tiến độ Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên đã được nhà thầu cam kết về thời gian hoàn thành, bởi đây là biện pháp tốt nhất chứng minh cho nhà tài trợ Nhật Bản thấy được nỗ lực của các bên tham gia dự án.

Theo Nguyễn Hoàn - Báo Vĩnh Phúc