Thứ Tư, 23/10/2013 7:22:45 (GMT+7)

“Thực trạng công tác xuất khẩu lao động của Vĩnh Phúc và giải pháp”

Chiều 18/10/2013, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Thực trạng công tác xuất khẩu lao động và giải pháp”. Đại biểu trung ương dự hội thảo có Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam. Dự hội thảo có: ông Phùng Quang Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh, bà Dương Thị Tuyến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo Xuất khẩu lao động tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban ngành, các huyện, thành, thị; Lãnh đạo UBND 09 xã làm tốt công tác xuất khẩu lao động; Các chi nhánh ngân hàng thương mại; 05 doanh nghiệp sử dụng lao động, 04 cơ sở dạy nghề và 20 doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động đang tuyển lao động trên địa bàn tỉnh.

“Thực trạng công tác xuất khẩu lao động của Vĩnh Phúc và giải pháp”

Đồng chí Phùng Quang Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc báo cáo tình hình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong những năm qua với chủ trương và các giải pháp phù hợp, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể từ năm 2003 đến tháng 9/2013 toàn tỉnh có 12.994 người đi lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tập trung ở các nước thị trường truyền thống có tỷ lệ cao, như: Đài Loan (45%), Malaysia (25,6%), Hàn Quốc (9,2%); thị trường xuất khẩu lao động ngày càng đa dạng và dần được mở rộng đến các quốc gia như: Nhật Bản, Quatar, Sec, Nga, UEA, Macau, Libya, Bắc Phi, Sip, Trung Quốc, Bungari, Oman, Angola…. Người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình và góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh, với tổng số 83.759 triệu USD.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động còn thấp so với nhu cầu của người lao động; thị trường xuất khẩu lao động vẫn tập trung ở các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc.  Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 95% là doanh nghiệp tỉnh bạn, tình trạng lao động không tuân thủ quy định pháp luật của nước đến làm việc, bỏ trốn ra ngoài làm việc hoặc không về nước khi hết hạn hợp đồng còn xảy ra, gây ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động… Do vậy, trong hoạt động quản lý, chỉ đạo của tỉnh cần phải xác định rõ mục tiêu, có giải pháp cụ thể tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành và phổ biến tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân trong tỉnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xuất khẩu lao động.

Tại hội thảo có 19 bài viết của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp được in ấn gửi các đại biểu, trong đó 05 bài được trình bày trực tiếp, và tham luận của Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam. Nhìn chung ý kiến tham luận và bài viết đều thống nhất với đánh giá của tỉnh về những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập hiện nay của tỉnh trong báo cáo đã nêu; đồng thời đề xuất giải pháp để giải quyết những bất cập, hạn chế đó là: Công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp với các doanh nghiệp làm xuất khẩu lao động trên địa bàn; cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động xuất khẩu lao động; trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã; sự cần thiết phải xây dựng chính sách chung của tỉnh; trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; các giải pháp để quản lý số lao động người Vĩnh Phúc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Phát biểu tại hội thảo Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng đã thông báo khái quát một số nét cơ bản tình hình KT-XH của tỉnh những năm qua và 9 tháng đầu năm 2013, ghi nhận những đóng góp tích cực của xuất khẩu lao động đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tiếp thu các bài tham luận tại hội thảo, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, bất cập về xuất khẩu lao động của Vĩnh Phúc, cần thiết phải xây dựng  “Đề án tổng thể về xuất khẩu lao động của tỉnh”, giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng và tổ chức các cuộc hội thảo tiếp theo, hoàn thiện trình UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy xin chủ trương và thông qua HĐND tỉnh có nghị quyết chuyên đề, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo đạt kết quả cao hơn./.

Nguyễn Duy Tiến – IPA Vinh Phuc