Thúc đẩy kinh tế số từ việc thanh toán không dùng tiền mặt
Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp trên 25% GRDP của tỉnh và nâng lên 35% vào năm 2030, tỉnh đang phấn đấu đưa kinh tế số ứng dụng sâu rộng vào các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực thiết thực nhất là thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian gần đây, chị Phùng Thị Duyên, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Theo chị, việc làm này được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi và rất văn minh. “Tôi chỉ cần dùng điện thoại di động quét mã QR để link tài khoản online với ứng dụng tại quầy hàng và trả tiền bằng chuyển khoản. Hình thức thanh toán này đang được áp dụng rộng rãi tại các cửa hàng, siêu thị, quầy bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Không những thế, để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán này, các ngân hàng còn áp dụng chương trình tặng mã giảm giá các đơn hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR, rất có lợi cho người tiêu dùng.”- chị Duyên chia sẻ.
Là ngân hàng duy nhất có mạng lưới giao dịch bao phủ đến các xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tiên phong trong quá trình phát triển Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến các đối tượng khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Với tinh thần đó, Agribank Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch ứng dụng công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo mật dịch vụ, đặc biệt chú trọng phục vụ tốt hơn đối tượng khách hàng truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong việc mở tài khoản và trải nghiệm các tiện ích từ các dịch vụ ngân hàng điện tử, giúp khách hàng thanh toán đơn giản, dễ dàng và an toàn tại các cửa hàng, siêu thị thực phẩm, đồ dùng thiết yếu và tại các website thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến.
Bà Phạm Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Phòng kế toán ngân quỹ, Agribank chi nhánh Tam Dương cho biết: “Agribank đã phối hợp với các đơn vị điện lực, bảo hiểm, các trường học, các đơn vị phục vụ những dịch vụ thiết yếu nhất trong việc thanh toán không dùng tiền mặt để từng bước giúp khách hàng làm quen với các hình thức thanh toán này, từ đó dần thay đổi thói quen, hành vi thanh toán của khách hàng. Chi nhánh cũng chú trọng phát triển các hình thức thanh toán qua mã QR, POS tại các khu vực xa trung tâm để tạo điều kiện thuận tiện trong việc tiếp cận, thanh toán trực tuyến cho khách hàng”.
Không chỉ hệ thống ngân hàng, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ thiết yếu trong đời sống sinh hoạt cũng đã tích cực, tiên phong trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như Momo, Zalo Pay hay Viettel Money, góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh nhưng đã hình thành và có sự chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Trong đó, gần 8.000 doanh nghiệp trên tổng số 11.300 doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh đều đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau. Đến nay, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán – POS không dùng tiền mặt; 55% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử. Toàn tỉnh hiện có 6.066 doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng chính quyền điện tử Vĩnh Phúc thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước; hình thành các cơ chế, chính sách để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh, thúc đẩy quá trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh và xã hội số của tỉnh theo hướng bền vững. Đến năm 2030, cơ bản hình thành chính quyền số với hệ thống dịch vụ số; đưa chính quyền số tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước; các dịch vụ đô thị thông minh được triển khai đại trà, rộng khắp; kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh, bền vững.
Trong phát triển kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tối thiểu có 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; trên 75% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và tham gia vào các giao dịch điện tử trên môi trường mạng; 100% các xã, phường, thị trấn ứng dụng thương mại điện tử phục vụ giao dịch nông, sản phẩm, hàng hóa. Kinh tế số chiếm trên 25% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 15%; năng suất lao động tăng bình quân trên 11%. Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 30%; năng suất lao động tăng bình quân trên 13%.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đang thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường, quy hoạch đô thị, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông vận tải và logistics, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính – ngân hàng, thông tin và truyền thông, năng lượng; qua đó hình thành thị trường để phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đầu tư, hình thành khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; nâng cấp hạ tầng và nền tảng số cho các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế để thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo định hướng “Make in Viet Nam” – sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế số. Cùng với đó, phát triển thương mại điện tử, đưa hạ tầng bưu chính số trở thành một bộ phận trong hệ thống logistics về thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ bán sản phẩm, hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống và ngành nông nghiệp, để mỗi xã nông thôn mới thành một siêu thị nông sản trực tuyến. Hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề truyền thống cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, để tái cấu trúc, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, làng nghề.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023