Thứ Bảy, 20/11/2021 16:43:27 (GMT+7)

Thúc đẩy các doanh nghiệp DDI kết nối, hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị

Nghị quyết số 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp và có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Với thế mạnh là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc, để góp phần cùng cả nước thực hiện tốt Nghị quyết 115 của Chính phủ, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Đặc biệt, xác định rõ các doanh nghiệp FDI vừa là khách hàng, vừa là đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng một chuỗi cung ứng toàn cầu, Vĩnh Phúc đã chủ trương tăng cường mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 11.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký hơn 128.000 tỷ đồng, có khoảng 8.000 doanh nghiệp trong số này đang hoạt động. Từ việc định hướng đúng, nhất là có nhiều cơ chế, chính sách trợ lực kịp thời, Vĩnh Phúc đã hình thành và thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy có trên 40 doanh nghiệp; lĩnh vực công nghiệp điện tử, tin học trên 100 dự án. Nhiều doanh nghiệp DDI như: Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Thuận An, Công ty TNHH công nghệ Cosmos, Công ty TNHH Điện – Điện tử Mê Trần Bình Xuyên; Công ty TNHH SSP Moulding, Công ty TNHH Thành Thắng, Công ty TNHH Tùng Lâm Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Lâm Viễn…tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do đã tạo được các mối liên kết, hợp tác, cung ứng thường xuyên một số sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế tạo, cơ khí.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp FDI còn rất ít và chủ yếu là nhà cung cấp lớp 2, 3; tỷ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng không cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư vào công nghệ, chưa chủ động tham gia liên kết hoặc không đủ tự tin đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Năng lực liên kết hạn chế, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp nội còn quá cao so với sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp FDI sản xuất. Ngoài ra, còn do áp lực về quy mô sản xuất, thời gian giao hàng và doanh nghiệp nội còn thiếu thông tin về nhu cầu đối tác…

Để khắc phục những bất cập trên, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ thúc đẩy liên kết, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nội để đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng. Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tham gia Hợp phần 3 dự án Link SME thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ; phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn cho doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mối liên kết, hỗ trợ cùng nhau phát triển giữa các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đặc biệt, số doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI sẽ tăng. Bởi trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh với các các quốc gia, khu vực có thế mạnh về công nghệ. Trong tháng 7/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt – Hàn tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử. Theo đó, trong thời gian 1 năm, Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt – Hàn sẽ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho ít nhất 10 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, điện, điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thiết kế sản phẩm, khuôn mẫu, nâng cao năng suất, kiểm soát chất lượng; hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn; phân tích, thử nghiệm trang thiết bị hiện đại tại trung tâm và kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thực hiện Biên bản ghi nhớ này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt – Hàn tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ kỹ thuật, quản lý; kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Qua đó, doanh nghiệp nội địa sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng, hợp tác cùng phát triển.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn