Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở Bình Xuyên
Những năm qua, Bình Xuyên luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Dẫn đầu toàn tỉnh về thu hút đầu tư
Từ một huyện thuần nông, nhờ phát huy lợi thế về vị trí địa lý, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách của tỉnh, cơ chế ưu đãi, thông thoáng cùng sự đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng, Bình Xuyên đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án FDI. Đến nay, trên địa bàn huyện đã và đang hình thành nhiều Khu công nghiệp (KCN) lớn như: KCN Bình Xuyên, KCN Bá Thiện…, thu hút gần 800 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng diện tích trên 1.600 ha, tỷ lệ lấp đầy là trên 56% so với diện tích quy hoạch. Trong đó, Cụm Công nghiệp Hương Canh đã được lấp đầy; một số KCN khác cơ bản hoàn thành công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện nay, đã có 74 dự án FDI với số vốn đầu tư 1.900 triệu USD, 16 dự án DDI với số vốn đầu tư 1.021 triệu đồng đầu tư vào địa bàn. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng trên địa bàn huyện ngày càng tăng, 6 tháng đầu năm 2015, ước đạt gần 12.500 tỷ đồng, tăng 29,33% so với cùng kỳ. Hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất vật liệu xây dựng, ống thép, xe máy và phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện tử…. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Công nghiệp tiếp tục phát triển và duy trì mức tăng trưởng cao, là ngành kinh tế quan trọng, khẳng định và phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế của huyện. Các KCN đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương và trong tỉnh.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn trong GPMB
Mặc dù có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư song hiện nay, việc phát triển một số KCN trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong công tác GPMB, mở rộng quỹ đất sạch, hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa đồng ý với mức giá bồi thường của Nhà nước, đề nghị muốn tăng giá. Cụ thể: KCN Bình Xuyên vẫn còn 78,9 ha đất KCN chưa bồi thường, GPMB thuộc thôn An Lão (xã Sơn Lôi) do các hộ có đất thu hồi không kê khai bồi thường do không chấp nhận mức giá theo quy định, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Diện tích đất còn lại trong KCN Bá Thiện để các nhà đầu tư mở rộng sản xuất nhưng chưa ký thuê là 5,183 ha (chiếm 12,8%), quỹ đất sạch trong KCN còn lại rất ít trong khi nhu cầu đầu tư còn rất nhiều, cần mở rộng GPMB, hoàn thiện hạ tầng đợt 2 để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, SXKD. KCN Bá Thiện II hiện còn 137 ha đất chưa bồi thường GPMB; người dân sẵn sàng nhận tiền, song khu tái định cư chưa được xây dựng hạ tầng, do đó chưa thể bồi thường diện tích đất trên. Một số diện tích đất đã có Quyết định phê duyệt phương án của UBND huyện, chủ đầu tư đã chuyển tiền đền bù cho Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện nhưng một số hộ dân lại không chịu nhận tiền. Các KCN còn lại như: Sơn Lôi, Nam Bình Xuyên, Thăng Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường GPMB để xây dựng hạ tầng, đi vào hoạt động, thu hút đầu tư. Các dự án chậm triển khai sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, không tạo được quỹ đất sạch có mức giá cho thuê hợp lý trong KCN.
Bên cạnh đó, mặc dù các KCN trên địa bàn huyện cơ bản xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và đưa vào vận hành ổn định, song đến nay vẫn còn Trạm xử lý nước thải KCN Bá Thiện trước đây do Công ty TNHH Compal Việt Nam đầu tư vẫn chưa được hoàn thiện do nhà đầu tư phải dừng thực hiện dự án. Hiện nay, đã có 5 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất trong KCN Bá Thiện, do vậy, cần thiết phải hoàn thiện các hạng mục còn lại của trạm để xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Đồng chí Lưu Văn Minh, Trưởng Phòng Công thương huyện Bình Xuyên chia sẻ: Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác GPMB từ cấp huyện đến cấp xã, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác vận động nhân dân để thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách bồi thường, GPMB. Trong đó, tập trung GPMB cho các dự án trọng điểm, giải quyết dứt điểm các dự án còn vướng mắc trong bồi thường GPMB, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào các KCN đang hoạt động, nâng tỷ lệ lấp đầy từ 70% – 85% trở lên vào năm 2020. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá về môi trường đầu tư đến với các nhà đầu tư và đối thoại, nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình SXKD cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn. Trong các KCN, lựa chọn, ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, cơ khí, điện tử… tạo ra sản phẩm có hàm lượng tri thức và khoa học cao; coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo mặt bằng sản xuất, môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Hương Canh, giải quyết dứt điểm những vướng mắc để đưa Cụm Công nghiệp – làng nghề Thanh Lãng vào hoạt động.
Việc sớm tháo gỡ những khó khăn trong công tác GPMB, tạo ra quỹ đất sạch, có giá thành thuê hạ tầng hợp lý, hoàn thiện trạm xử lý nước thải, đảm bảo môi trường để nâng cao chất lượng quản lý vận hành KCN trong thời gian tới sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội và tăng thu ngân sách cho địa phương nói riêng và tỉnh nói chung.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh