Thêm cơ chế để công nghiệp hỗ trợ phát triển
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn Vĩnh Phúc trong những năm qua có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong đó, chủ yếu tập trung vào CNHT của 3 ngành lớn đó là: ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử – tin học và công nghiệp ô tô – xe máy.
Toàn tỉnh khoảng 20 KCN được Chính phủ đưa vào danh sách các KCN của cả nước với tổng diện tích khoảng 5.800 ha, thu hút khoảng gần 30 nghìn lao động đang làm việc. Các dự án đầu tư trong ngành CNHT luôn được tỉnh ưu tiên, khuyến khích từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, số dự án đầu tư vẫn hiếm hoi mặc dù nhu cầu của các công ty sản xuất, lắp ráp là rất lớn nhưng chủ yếu vẫn sử dụng lắp ráp từ các thiết bị, phụ tùng được nhập khẩu. Theo khảo sát của Ban Quản lý các KCN tỉnh, riêng Công ty Honda Việt Nam có khoảng 500 nhà cung cấp sản phẩm CNHT, tuy nhiên, đến nay, tỉnh mới có 44 doanh nghiệp hỗ trợ, trong đó có 37 doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ như: cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, xây dựng môi trường xã hội lãnh mạnh văn minh, đào tạo nhân lực, chú trọng cải cách hành chính cũng đã hình thành nên một cơ chế khá thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Nếu như trước đây nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký kinh doanh trong 15 ngày mới xong thì hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã rút ngắn xuống còn từ 3 đến 5 ngày tùy dự án. Tuy nhiên, các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản liên quan khác được áp dụng vẫn chưa hấp dẫn các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đến với địa bàn Vĩnh Phúc.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, mới đây Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra Nghị quyết 56/2012/NQ-HĐND ban hành cơ chế hỗ trợ cho các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời thúc đẩy CNHT phát triển. Theo đó, Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đối tượng là các doanh nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp để sản xuất các sản phẩm CNHT cho các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử – tin học – công nghệ cao, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy. Ngoài những ưu đãi, khuyến khích theo chính sách chung của Nhà nước, các dự án thuộc đối tượng hỗ trợ trên còn được tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ một số chi phí đầu tư ban đầu, bao gồm: hỗ trợ chi phí tư vấn lập hồ sơ dự án đầu tư, áp dụng cho dự án mới và dự án mở rộng (gọi chung là dự án) với mức cụ thể đối với mỗi dự án từ 20 đến 200 triệu đồng tùy theo tổng vốn đăng ký của mỗi dự án; hỗ trợ chi phí bố cáo thành lập doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm (không quá 2.000.000 đồng); hỗ trợ 100% số tiền doanh nghiệp đã nộp các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí ban đầu của dự án.
Việc ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ trên cùng những biện pháp tăng cường thu hút đầu tư khác, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn vào đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy CNHT phát triển. Đồng thời đóng góp rất lớn vào sự phát triển bền vững của công nghiệp, giải quyết việc làm và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung của tỉnh.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh