“Thắp sáng” kinh tế đêm
Kinh tế ban đêm (KTBĐ) đã và đang góp phần quan trọng vào kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách tại nhiều địa phương trên cả nước. Kỳ vọng khai thác tiềm năng phát triển, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, tận dụng tối đa cơ hội thúc đẩy phát triển KTBĐ, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm
Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch với sự đa dạng về điểm đến, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật đặc sắc, cùng thời tiết về đêm tương đối dễ chịu, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để phát triển KTBĐ.
Đặc biệt, những năm qua, cơ sở hạ tầng của tỉnh được quan tâm đầu tư đồng bộ, toàn diện. Tỉnh có nhiều công trình kết cấu hạ tầng lớn gắn với các ngành kinh tế trọng điểm có lợi thế, tạo điểm nhấn về phát triển dịch vụ du lịch tại các khu vực như công viên quảng trường, khu Văn Miếu, Tây Thiên, Tam Đảo …
Nhiều công trình dự án trọng điểm phục vụ phát triển dịch vụ thương mại tích cực được triển khai như Dự án Cảng cạn ICD, Trung tâm triển lãm Vĩnh Phúc, Chợ đầu mối nông sản Vĩnh Tường, chợ thành phố Vĩnh Yên…
Mạng lưới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, các cửa hàng tự chọn ngày càng phát triển, phủ khắp các huyện, thành phố từ thành thị về nông thôn, miền núi, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tất cả đã và đang tạo cho Vĩnh Phúc một diện mạo mới, là điều kiện thuận lợi để tỉnh “thắp sáng” KTBĐ.
Trên thực tế, KTBĐ trên địa bàn tỉnh vẫn âm thầm phát triển từ nhiều năm nay, nhất là tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và các điểm du lịch như thị trấn Tam Đảo… với các hoạt động chủ yếu về, dịch vụ ăn uống, karaoke, các trung tâm thương mại, cơ sở lưu trú…
Đặc biệt, với sự quan tâm, định hướng của tỉnh, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã hình thành một số tuyến phố đi bộ, tuyến phố ẩm thực, góp phần tạo điểm nhấn quan trọng trong phát triển KTBĐ của tỉnh.
Đa dạng các loại hình kinh doanh, dịch vụ, KTBĐ đang có những đóng góp tích cực vào phát triển chung của tỉnh như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; bước đầu khai thác tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút du khách; góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữu hành và dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh đạt tăng trưởng bình quân 13,8% (giai đoạn 2021 – 2023).
Kỳ vọng mới
Hiện, KTBĐ đang được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chú trọng khai thác và coi là động lực tăng trưởng kinh tế mới. Đặc biệt, các địa phương như Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã có nền KTBĐ phát triển rất tốt, thể hiện ở sự hình thành của các chợ đêm, phố đi bộ, các khu vui chơi giải trí quy mô lớn, quán bar – vũ trường, thậm chí là các chuỗi sự kiện đặc trưng về đêm như lễ hội ánh sáng, nhạc nước, bắn pháo hoa…
Hội tụ nhiều điều kiện để phát triển KTBĐ, tuy nhiên, KTBĐ trên địa bàn hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động KTBĐ mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún, chưa tạo được dấu ấn rõ nét để hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Khai thác tiềm năng phát triển KTBĐ, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 281 ngày 15/11/2023 về Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiện thực hóa kỳ vọng phát triển KTBĐ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, tận dụng tối đa cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, tỉnh tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển KTBĐ; sử dụng công cụ quy hoạch để quản lý các hoạt động KTBĐ một cách hiệu quả, thiết thực; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng hỗ trợ chủ động và tích cực cho các chủ thể tham gia phát triển KTBĐ; đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động KTBĐ…
Mặt khác, tỉnh tập trung hoàn thiện chính sách, khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTBĐ và kiểm soát rủi ro. Theo đó, trên cơ sở căn cứ tình hình, đặc thù và nhu cầu phát triển, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển KTBĐ, trong đó tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động, các đối tượng tham gia, sản phẩm ưu tiên, thời gian hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia KTBĐ…
Đồng thời phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động KTBĐ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý KTBĐ.
Thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tạo động lực quan trọng khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và ẩm thực của tỉnh; thúc đẩy phát triển KTBĐ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh định hướng, hỗ trợ của tỉnh, mỗi địa phương cần nhận diện những đặc trưng riêng để tạo ra hệ sinh thái kinh tế đêm riêng, tránh trùng lặp.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh