Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản
Nửa chặng đường năm 2016 đã trôi qua, tuy nhiên, vốn giải ngân đầu tư XDCB trên địa bàn theo kế hoạch chỉ đạt 29,7%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-7,5% trong năm 2016, đòi hỏi các cấp, ngành cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn XDCB, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH đề ra.
Theo báo cáo của Sở KH& ĐT , 6 tháng năm 2016, tổng vốn kế hoạch đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh là 6.402 tỷ đồng; giải ngân đạt hơn 1.901 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch vốn, bằng 66% so với cùng kỳ năm 2015. Nhự vậy, so với chỉ tiêu kế hoạch, vốn giải ngân đạt thấp. Đặc biệt các công trọng điểm, tổng vốn đầu tư xây dựng 1.250 tỷ đồng (trong đó, giao đầu năm 1.090 tỷ đồng, được bổ sung 160 tỷ đồng cho các dự án giao thông trọng điểm từ nguồn tăng thu), khối lượng hoàn thành trong 6 tháng chỉ đạt 186 tỷ đồng, đạt 14,8%; giải ngân 6 tháng đạt 242 tỷ đồng, đạt 19%. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt thấp là do một số công trình trọng điểm được bố trí vốn nhưng chưa xong thủ tục để triển khai như: Đường vành đai 3 đoạn Hương Canh – Thị trấn Yên Lạc, Đường Nguyễn Tất Thành kéo dài địa phận huyện Bình Xuyên (qua KCN Sumitomo), Cầu Phú Hậu, Đường từ nút giao lập thể Văn Quán đến trung tâm huyện Sông Lô, khu Đào tạo Vận đông viên thể thao giai đoạn 2, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi. Ngoài ra, các dự án chuyển tiếp như: Đường giao thông kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc, đường song song đường sắt tuyến phía Bắc, đường tỉnh 301 đoạn từ cầu vượt đường sắt đến đường Nguyễn Tất Thành… do vướng mặt bằng nên khối lượng triển khai 6 tháng đầu năm đạt thấp.
6 tháng đầu năm 2016, ngành GTVT được giao 368 tỷ đồng cho 12 dự án hạ tầng giao thông. Tính đến 30/6, giá trị giải ngân vốn đạt gần 24% kế hoạch. Ông Dương Thế Quyền, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, các dự án hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng, thúc đẩy KT-XH các địa phương trong tỉnh phát triển. Tuy nhiên, việc tiến độ giải ngân chậm chủ yếu do những nguyên nhân khách quan. Sau khi Luật Đầu tư công 2014, Luật Xây dựng 2014 và Luật Đấu thầu 2013 chính thực có hiệu lực, các dự án công trình phải thực hiện đúng trình tự thủ tục XDCB, từ phê duyệt công trình đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công; thủ tục đấu thầu tư vấn; lựa chọn nhà thầu xây lắp, mỗi dự án kéo dài ít nhất 6 tháng. Đó chưa kể đến những khó khăn liên quan đến công tác đền bù, GPMB; năng lực của các nhà thầu…. Do vậy, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư năm 2016, từ nay đến cuối năm, Sở GTVT sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp; đối với các dự án đang triển khai, tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; hoàn thành các thủ tục thanh toán. Đối với các công trình đang triển khai các thủ tục XDCB, đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục triển khai thi công; yêu cầu các nhà thầu cam kết thực hiến đúng tiến độ thực hiện dự án.
Với kế hoạch vốn bố trí cho các huyện thành thị 1.440 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân 687 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 48%. Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch, cho biết: Tính đến hết tháng 6/2016, huyện đã giải ngân 71,9 tỷ đồng/173,4 tỷ đồng vốn XDCB của 90 công trình tỉnh giao, đạt 41,5%. Mặc dù là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Được biết, năm 2016, Lập Thạch có 37 công trình khởi công mới (chưa tính các công xây dựng NTM) có đến 20 công trình đang làm thủ tục lựa chọn nhà thầu và có 10 công trình mới được khởi công… Ngoài ra, do các công trình được bổ sung vốn trong năm cần có thời gian để tiến hành thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công, dẫn đến việc giải ngân số vốn bổ sung đạt thấp so với kế hoạch.
Có thể thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm chậm thì có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại vẫn do quy trình thủ tục phát sinh mới kéo dài thời gian chuẩn bị; sự phối hợp giữa các đơn vị còn chưa nhịp nhàng; công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thi công của các công trình. Nhiều dự án trọng điểm, dự án lớn được bố trí vốn từ đầu năm nhưng đến nay chưa triển khai; phân bổ vốn đầu tư còn chậm; một số ngành, lĩnh vực có cơ cấu vốn đầu tư lớn nhưng chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tiếp đến, do Luật Xây dựng và Nghị định số 59/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định một số thủ tục làm phát sinh thời gian thực hiện như: Dự án có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng phải được các sở chuyên ngành xây dựng thẩm định trước khi UBND cấp huyện phê duyệt; việc thiết kế, dự toán xây dựng do cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư (cơ quan Nhà nước về xây dựng) thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền. Hay như, theo Luật Đấu thầu, các dự án có dự toán xây lắp giá trị trên 1 tỷ đồng, tư vấn trên 500 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu, dẫn đến nhiều dự án quy mô nhỏ, đơn giản nhưng phải thực hiện quy trình đấu thầu tư vấn thiết kế – dự toán và xây lắp, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục xây dựng cơ bản.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để khắc phục các hạn chế trên, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, thời gian tới, các chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục dự án đầu tư xây dựng thuộc kế hoạch năm 2016; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm khởi công công trình và hoàn thành khối lượng theo kế hoạch được giao. Tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư được giao kế hoạch năm 2016, đề xuất điều chỉnh các dự án không có khả năng thực hiện để chuyển cho ngành khác đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2016.
Tại cuộc họp đánh giá công tác XDCB 6 tháng đầu năm 2016, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc đẩy nhanh tiến độ giải có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Do vậy, các cấp, ngành, các địa phương cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các chủ đầu tư cần chủ động trong khâu thẩm định hồ sơ phê duyệt, trong đấu thầu phải rút ngắn thời gian thi công gắn với nâng cao hiệu quả, chất lượng công trình. Các sở, ngành, đơn vị cần tập trung rà soát các thủ tục, đảm bảo nhanh gọn, giảm thời gian tối thiểu, đơn giản hóa các thủ tục; tập trung rà soát lại các dự án cho chủ trương để điều chỉnh cho phù hợp, ưu tiên các công trình cấp bách, trọng điểm; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập phê duyệt các công trình, dự án đầu tư. Sở KH&ĐT cần quy định cụ thể các công trình thuộc các nhóm đầu tư khác nhau; tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc bàn giao thực hiện dự án; khẩn trương tham mưu phân khai số vốn còn lại để triển khai các dự án; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp nhà thầu vi phạm; khẩn trương chuẩn bị các thủ tục cho các dự án đầu tư trong năm 2017; phấn đấu đến 31/10/2016 sẽ phải thực hiện xong các thủ tục đầu tư để giao kế hoạch năm 2017 trước 31/12/2016.
Xuất phát từ những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh lại hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn xây dựng và gói thầu xây lắp đảm bảo phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhằm giảm thiểu thời gian chuẩn bị thủ tục đấu thầu các gói thầu đơn giản. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn về quy chế hoạt động của các ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực để địa phương triển khai áp dụng.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh