Thứ Tư, 20/07/2016 8:36:29 (GMT+7)

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; giải quyết tốt các vấn đề xã hội

Thảo luận tại hội trường về các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh và các ngành chức năng, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu, đồng thời đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, thu ngân sách năm 2016 và thực hiện tốt các mục tiêu xã hội đã đề ra.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; giải quyết tốt các vấn đề xã hội

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, các đại biểu đều nhận định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song kinh tế của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định ( tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,4%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái); thu ngân sách đạt khá ( tổng thu ngân sách đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, đạt 54,4% dự toán, tăng 14,7% so cùng kỳ); các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; QP-AN được đảm bảo…

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đại biểu Trần Việt Cường ( Tổ Phúc Yên) đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục có giải pháp phát triển doanh nghiệp vì doanh nghiệp có phát triển mới đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời còn góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đại biểu Phạm Quang Nguyên ( Tổ Tam Đảo) đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; tiếp tục quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để nâng cao hiệu quả ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Đại biểu Lỗ Tất Chánh ( Tổ Vĩnh Tường) cho rằng không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp với những mảnh ruộng chỉ vài chục m2 nên phải tiến hành dồn ghép ruộng đất. Phản ánh tình trạng ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đại biểu Chánh đề nghị tỉnh quan tâm tiếp tục triển khai dự án nạo vét sông Phan, xây dựng trạm bơm thoát nước ra sông Hồng. Tương tự, đại biểu Lê Tiến Anh ( Tổ Sông Lô) cũng đồng tình với chủ trương dồn ghép ruộng đất và cho rằng, quá trình triển khai sẽ gặp khó khăn, vướng mắc nhưng phải quyết tâm làm bằng được mới tiến tới sản xuất lớn được. Đại biểu Lê Tiến Anh cũng đề nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch khai thác cát sỏi trên sông Lô để địa phương có thể phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện trên địa bàn có hơn 30 hộ nuôi, hiệu quả kinh tế rất rõ. Về công tác thủy lợi, đại biểu Anh cho rằng việc tưới đã làm tốt nhưng việc tiêu còn khó khăn. Địa bàn huyện Sông Lô hiện nay mới chỉ thực hiện tiêu nước tự nhiên ra sông Lô, khi mực nước sông bằng hoặc cao hơn trong đồng thì hệ thống tiêu không có tác dụng, đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng các trạm bơm cưỡng bức tiêu nước ra sông Lô. Trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy ( Tổ Lập Thạch) đề nghị cần tập trung cho các tiêu chí khó đạt; đại biểu Lỗ Tất Chánh đề nghị nâng mức hỗ trợ giải phóng mặt bằng sân vận động. Về phát triển đô thị, đại biểu Nguyễn Phú Sơn ( Tổ Vĩnh Yên) cho rằng, trong những năm qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này. Điểm qua những bước phát triển của đô thị Vĩnh Yên, chỉ ra những tồn tại, bất cập, khẳng định quyết tâm và những giải pháp quan trọng của thành phố nhằm xây dựng đô thị Vĩnh Yên thành đô thị xanh, phát triển bền vững và là vùng lõi của đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai, đại biểu Sơn đề nghị HĐND, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Vĩnh Yên. Về lĩnh vực này, đại biểu Trần Việt Cường và đại biểu Phạm Quang Nguyên cũng đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng cho thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo. Về giáo dục đào tạo, đại biểu Lỗ Tất Chánh cho biết việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là bậc học mầm non ( riêng huyện Vĩnh Tường còn thiếu 160 phòng học, có lớp lên đến 60 cháu, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục). Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Đại biểu Vũ Hồng Phương ( Tổ Bình Xuyên) bày tỏ lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại biểu đề nghị thực hiện các biện pháp toàn diện, quyết liệt hơn để ngăn chặn nạn thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Đại biểu Phương cũng đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động trong các khu công nghiệp…

Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, ông Đỗ Đình Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục được tỉnh quan tâm, trong đó có cơ sở vật chất cho trường mầm non. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT rà soát, kết quả toàn tỉnh thiếu 1 nghìn phòng học. Tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng số phòng học này ( 500 phòng học từ ngân sách tỉnh, số còn lại từ ngân sách các địa phương), phấn đấu đến năm 2018 phải xong. Hiện công tác này đang được triển khai tích cực. Về xây dựng nông thôn mới, theo kế hoạch năm nay có 24 xã đăng ký hoàn thành, tuy nhiên có thêm 2 xã đăng ký thêm nên phải cân đối vốn. Năm nay, tỉnh phân bổ vốn cho các huyện để chủ động. Ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay tỷ lệ lớp học kiên cố bậc học mầm non đã đạt 74,8%, chỉ còn 474 phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Tiến độ xây dựng phòng học đang được đẩy nhanh để đáp ứng yêu cầu của bậc học này. Việc dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo; ngành đã văn bản số 715 nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong dịp hè. Tuy nhiên vẫn còn một số giáo viên dạy thêm ở nhà, sở sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý. Ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khi dự án chống ngập úng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới triển khai sẽ đầu tư các trạm bơm thoát nước ra sông, tình trạng ngập úng cơ bản sẽ được giải quyết. Về dồn ghép ruộng đất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt. Trước mắt sẽ chọn 1, 2 huyện, mỗi huyện sẽ chọn 1, 2 xã làm điểm sau đó nhân rộng. Ông Phong nhấn mạnh, dồn ghép ruộng đất là đòi hỏi khách quan, không thể trì hoãn được nữa. Với điều kiện kinh tế như tỉnh ta, kinh phí sẽ không đáng lo, tuy nhiên khi triển khai vẫn có khó khăn do tâm lý so bì ruộng gần, ruộng xa, ruộng xấu, ruộng tốt. Mặc dù vậy vẫn phải quyết tâm để xóa bỏ tình trạng manh mún. Ông Nguyễn Tiến Phong cũng đề nghị các cấp, các ngành cùng vào cuộc, mong muốn bà con nông dân không tính toán thiệt hơn để dồn ghép ruộng đất thành công, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Vinh đánh giá cao ý kiến thảo luận của các đại biểu. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khái quát những kết quả kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề nghị trong 6 tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2016. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; chú trọng công tác xây dựng bộ máy chính quyền các cấp; đảm bảo QP-AN…

Theo N.P - Báo Vĩnh Phúc