Thứ Sáu, 06/10/2023 14:28:41 (GMT+7)

Tập trung đồng bộ các giải pháp tạo đà cho sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển

Vượt lên những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bức tranh kinh tế 9 tháng qua của tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều gam màu sáng. Tuy nhiên, với sản xuất công nghiệp vốn được xem động lực tăng trưởng thì tốc độ tăng trưởng được đánh giá còn chậm. Giải bài toán này, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để tạo đà cho sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển.

Tập trung đồng bộ các giải pháp tạo đà cho sản xuất công nghiệp phục hồi, phát triển

Những tháng còn lại của năm 2023, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh

Mặc dù ngay những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Trọng tâm là tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường – giải phóng mặt bằng; chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án khởi công đúng tiến độ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi… Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp của tỉnh khá chậm.
 
Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, trong tháng 9/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh ước tăng 4,95% so với tháng trước và giảm 0,33% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đã giảm 1,74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành sản xuất xe có động cơ và sản xuất phương tiện vận tải ghi nhận mức giảm lần lượt là 30,64% và 11,8%; ngành sản xuất linh kiện điện tử chỉ tăng 8,41% – mức tăng thấp nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2019 – 2023.
 
Đáng nói, những tháng cuối năm được xác định là cơ hội tốt nhất để sản xuất công nghiệp bứt tốc cũng đã được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức doanh nghiệp phải đối mặt. Trên thế giới, tình hình kinh tế, chính trị vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp; kinh tế toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn khó khăn. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm; giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp…
 
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm 2023, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kịch bản chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội đã được xây dựng. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và thuận lợi hơn trong hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi để có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, tạo sự tăng trưởng đột phá sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các hoạt động xúc tiến đầu tư; duy trì các hoạt động Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tăng cường gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả…
 
Bên cạnh các giải pháp của cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần hướng đến tăng tính liên kết, hợp tác với nhau để vừa tiêu thụ các mặt hàng của nhau, vừa tạo sức mạnh tổng thể, đủ năng lực nhận những đơn hàng lớn hơn. Từ đó, tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn, khơi thông đầu ra cho sản xuất.

Theo Bích Phượng - vinhphuc.gov.vn