Thứ Năm, 12/12/2013 14:11:52 (GMT+7)

Tập trung các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014

Ngày 11-12, dưới sự điều hành của đồng chí Phạm Văn Vọng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận về các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá XV.

Hầu kết các đại biểu đều đồng tình với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ năm 2014; nhấn mạnh, trong năm 2013, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là sự điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh, kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao (ước đạt 7,89%); thu ngân sách đạt khá (ước đạt 18.596 tỷ đồng), so với các địa phương trong cả nước, đây là kết quả đáng tự hào.

Đi vào từng vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Thế Kiểm (Yên Lạc) và Trần Thị Yên (Bình Xuyên) đánh giá cao kết quả cũng như việc điều hành của UBND tỉnh trong lĩnh vực XDCB, nhất là việc phân bổ vốn ngay từ đầu năm, ưu tiên bố trí vốn cho thanh toán nợ và công trình trọng điểm…Chính vì vậy, tình trạng nợ đọng XDCB đã giảm, đồng thời còn tháo gỡ được một phần khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp; nhiều công trình trọng điểm đã và sắp hoàn thành như Công viên – Quảng trường tỉnh; Nhà hát lớn; Khu trung tâm lễ hội Tây Thiên; Văn Miếu… tạo diện mạo mới cho tỉnh.

Đại biểu Trần Thị Yên cho rằng, trong năm 2012, một điểm sáng trong phát triển KT-XH nữa là tỉnh tập trung đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nên thu hút đầu tư của tỉnh trong năm đạt kết quả cao. Trong thu hút đầu tư đã xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên, đó là công nghệ cao, bảo vệ môi trường; dịch vụ y tế, giáo dục…

Đại biểu Đặng Thị Liễu (Lập Thạch) đề nghị tỉnh có cơ chế cho huyện vay vốn để đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào đại bàn để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển… Đại biểu Vũ Việt Văn (Phúc Yên) cho rằng, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới nên kết quả đã các địa phương, nhất là các xã điểm đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí. Chung nhận định như đại biểu Vũ ViệtVăn, đại biểu Nguyễn Thế Kiểm cho rằng, trong chỉ đạo, UBND tỉnh đã rất sát sao, bám sát cơ sở để tháo gỡ khó khăn, nhất là đất đai, vốn. Tuy nhiên, trong năm 2013, cũng bộc lộ nhiều khó khăn, cần tập trung tháo gỡ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014 và những năm tiếp theo.

Đại biểu Hồ Thị Thuỷ (Tam Đảo) nêu: Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 5.700 doanh nghiệp dân doanh nhưng 34,5% số đó đang chờ giải thể. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển như giải pháp đã nêu ra, UBND tỉnh cần rà soát lại, phân loại doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cùng nhận định, đại biểu Trần Thị Yên cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp. UBND tỉnh cần tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đại biểu Trần Đình Tuyên (Vĩnh Yên) cho rằng, hiện nay, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao; còn xảy ra tình trạng nông dân bỏ ruộng; ô nhiễm môi trường nông thôn chưa được giải quyết hiệu quả; vẫn còn tình trạng y bác sĩ vi phạm y đức, gây bức xúc trong nhân dân. Cùng đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Vũ Việt Văn cho rằng, UBND tỉnh cần nghiên cứu quy hoạch, đầu tư hệ thống trạm bơm để tiêu thoát nước, nhất là vào vụ mùa để đảm bảo cho sản xuất hai vụ lúa ăn chắc. Đại biểu Nguyễn Xuân Đài (Sông Lô) cho rằng, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân…

Về vấn đề y đức, đại biểu Nguyễn Sơn (Yên Lạc) cho rằng, trong những năm qua, ngành Y tế đã quyết liệt với vấn đề này nên tình trạng vi phạm đã giảm mạnh. Ông Sơn đề nghị cử tri tiếp tục giám sát vấn đề này. Hiện Sở Y tế đã xây dựng đường dây nóng, phân công cán bộ trực; đồng thời yêu cầu tất cả các bệnh viện thành lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh. Về chất lượng khám chữa bệnh còn bất cập, ông Sơn cho biết, trong 7 năm qua, tỷ lệ giường bệnh và tỷ lệ bác sỹ trên vạn dân của tỉnh đã tăng gấp đôi, tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh chưa đạt yêu cầu, một phần do đội ngũ nhưng cũng một phần do đầu tư cho ngành Y tế còn ít (những năm trước là 2%, nếu năm 2014 được HĐND tỉnh thông qua sẽ tăng lên 4% tổng mức đầu tư phát triển). Chính vì vậy, cơ sở vật chất (nếu phân bổ như hiện nay, một số bệnh viện phải xây 10 năm mới xong), chưa kể trang thiết bị còn rất thiếu. Đơn cử, 2 năm trước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử cán bộ tập huấn về can thiệp mạch nhưng do không có trang thiết bị nên chưa triển khai được kỹ thuật này.

Đại biểu Nguyễn Văn Lộc (Vĩnh Tường) cho biết, hiện toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 88,8% diện tích 5 loại đất cần cấp chứ không phải dưới 70% như đại biểu Hồ Thị Thuỷ nêu. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn chưa được giải quyết hiệu quả là do chính quyền địa phương chưa quyết liệt vào cuộc. Hiện toàn tỉnh còn 48 điểm đổ rác trên đường, sông hồ. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo ông Lộc, chính quyền và chính người dân phải làm sạch nơi mình sinh sống, chứ không ngành TN&MT không đủ sức làm nổi…

Các đại biểu cũng cho rằng, tuy trên địa bàn tỉnh năm qua chưa xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nhưng nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao nếu không kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, tình trạng tội phạm, nhất là người trẻ tuổi vi phạm pháp luật cũng đáng lo ngại. An toàn giao thông tuy đạt mục tiêu 3 giảm nhưng tình trạng xe kéo, xe lôi; phóng nhanh, vượt ẩu; đi xe máy không đội mũ bảo hiểm… vẫn thường xuyên xảy ra…

Các đại biểu cũng đồng tình với mục tiêu, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2014 và cho rằng với đà của năm 2013, tuy năm 2014 vẫn còn khó khăn song với quyết tâm cao, sự cố gắng của các cấp, các ngành, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Kết luận phần thảo luận, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm văn Vọng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh đến những kết quả nổi bật trong năm 2013 và cho rằng trong khó khăn chung của kinh tế trong nước, đây là kết quả rất đáng tự hào. Đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và cho rằng, trong năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu là rất quan trọng. Đồng chí nhấn mạnh, trước hết cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý về tài nguyên, nhất là đất đai, cát sỏi; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới; giải quyết đơn thư KNTC, đảm bảo ANCT, TTATXH trên địa bàn…

Theo Như Phong - Báo Vĩnh Phúc