Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư
Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn là điểm đến hấp dẫn, một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Có được kết quả này, bên cạnh việc đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh, phải kể đến đóng góp không nhỏ của công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch, bàn giao cho các nhà đầu tư triển khai dự án được thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ.
Theo báo cáo của Ban GPMB & Phát triển quỹ đất, 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã GPMB được gần 400ha đất phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ban GPMB & Phát triển quỹ đất thực hiện GPMB được 45 ha, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2015; các huyện, thành, thị thực hiện 348,5 ha, các địa phương có diện tích GPMB lớn là huyện Bình Xuyên gần 194 ha, Tam Đảo 88,6 ha và Tam Dương gần 27 ha. Nhiều dự án lớn được quyết liệt triển khai và đạt hiệu quả cao như: Dự án quản lý nguồn nước và chống ngập lụt Vĩnh Phúc; dự án Khu Công nghiệp Tam Dương II-khu A; dự án đầu tư xây dựng đường giao thông đô thị kết hợp với đê ngăn nước Đầm Vạc (Vĩnh Yên) giai đoạn I, đoạn từ sân golf Đầm Vạc đến đường Yên Lạc-Vĩnh Yên, diện tích gần 128 ha, đã GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư được gần gần 95% diện tích; dự án đầu tư xây dựng công trình đường song song với đường sắt, tuyến phía Bắc đường sắt Hà Nội-Lào Cai, diện tích gần 98 ha đã GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư được trên 96% diện tích… Về cơ bản, công tác GPMB được triển khai khẩn trương, đảm bảo tiến độ, đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, qua đó đáp ứng tốt yêu cầu về mặt bằng cho triển khai thi công các dự án.
Ông Vũ Mạnh Bao, Trưởng phòng Hành chính – tổng hợp, Ban GPMB & Phát triển quỹ đất tỉnh chia sẻ: Xác định công tác GPMB tạo quỹ đất sạch, góp phần quan trọng trong thu hút các dự án đầu tư, tạo ra lực đẩy cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, do vậy, với từng dự án cụ thể, ban luôn chủ động xây dựng kế hoạch GPMB, bồi thường, tái định cư chi tiết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người dân và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; tiến hành niêm yết công khai, minh bạch để người dân biết, tạo sự đồng thuận trong cách thức triển khai; đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp, từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân vì mục tiêu chung của địa phương, coi đây là giải pháp then chốt, quyết định đến thành công trong công tác GPMB. Khi người dân đã hiểu, thì họ sẽ tự giác nhận tiền đền bù, di chuyển tài sản, bàn giao mặt bằng không gây khó khăn cho công tác kiểm kê và trục lợi từ chính sách bồi thường tài sản trên đất. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong quá trình triển khai GPMB. Tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết thỏa đáng những kiến nghị, đề xuất, thắc mắc hợp lý của người dân. Đối với những trường hợp cố tình chống đối, ban tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiên quyết cưỡng chế để đảm bảo tiến độ dự án tránh phát sinh chi phí do chậm tiến độ, nâng cao hiệu quả của dự án và tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Song song với công tác GPMB, việc đo đạc, lập quy hoạch bản đồ các khu tái định cư, thực hiện các công trình phục vụ GPMB được triển khai khẩn trương, phù hợp với tiến độ GPMB. Ban thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương nơi có đất được giao quản để thực hiện rà soát hồ sơ quản lý báo cáo UBND tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai. Tổ chức tiếp nhận các dự án đã hoàn thiện, tiến hành định giá đất, xây dựng phương án và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thương phẩm để tạo nguồn bổ sung kinh phí cho công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư. Với đóng góp không nhỏ của công tác GPMB, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những tín hiệu khả quan, toàn tỉnh thu hút 33 dự án mới. Trong đó có 18 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký gần 180 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án, với số vốn tăng thêm 21,1 triệu USD; 15 dự án DDI, với số vốn hơn 5,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 221 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 3,345 tỷ USD; 616 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký gần 51 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác GPMB, thu hồi đất luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện do ở một số địa phương tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo, không theo hệ thống, hồ sơ địa chính lưu trữ không đầy đủ, gây khó khăn trong quá trình xác nhận nguồn gốc đất làm căn cứ xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ; nhiều nơi công tác tuyên truyền pháp luật đất đai đến người dân còn hạn chế, cán bộ làm công tác GPMB chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật đất đai mới, triển khai máy móc, dập khuân dẫn đến tình trạng bức xúc không hợp tác của người dân, gây chậm tiến độ dự án. Do vậy, để công tác GPMB được thuận lợi rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương, sự thấu hiểu, hợp tác của người dân; để công tác GPMB không trở thành rào cản mà thực sự là nguồn động lực không nhỏ thu hút đầu tư, góp phần xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh