Tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp: Tăng cường tính công khai, minh mạch
Coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thực hiện tốt việc chăm sóc nhà đầu tư từ khi nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện đầu tư và cả giai đoạn đầu tư đi vào hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tiến tới mục tiêu lâu dài giải quyết cơ bản các thủ tục đầu tư qua Internet… Đó là những bài học kinh nghiệm nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Như chúng ta đã biết, PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.
Trong những năm 2005 – 2009, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đứng vị trí cao so với cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhưng từ năm 2010-2012 lại có sự sụt giảm mạnh, đặc biệt là năm 2012, tỉnh xếp vị trí thứ 43, có 3 chỉ số thành phần giảm cả về vị trí xếp hạng và điểm số.
Trước thực trạng đó, tỉnh đã xác định và chỉ rõ những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm chỉ số PCI là do: Nhận thức của các cấp, các ngành chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung phương thức việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và điều hành. Trách nhiệm, tinh thần, sự linh hoạt của đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa cao. Tính minh bạch thông tin, công tác cải cách hành chính, đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp,…còn hạn chế.
Nhằm phân tích chỉ số PCI của riêng tỉnh trên cơ sở so sánh tương quan với cả nước, qua đó nhận diện những mặt mạnh, những mặt còn hạn chế cần được cải thiện, tìm ra những giải pháp mạnh mẽ có tính đột phá, tạo ra sự chuyển biến trong công tác điều hành kinh tế – xã hội của tỉnh, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh ở tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như: Kết luận số 33-KL/TU ngày 31/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chỉ thị số 10/CT-CTUBND ngày 24/7/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về một số giải pháp cấp bách nhằm thực hiện nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch số 4003/KH-UBND ngày 24/7/2013 về tổ chức thực hiện đề án; Triển khai thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với VCCI giai đoạn 2013-2015 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh…
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chỉ số PCI của tỉnh dần được cải thiện, xếp thứ 26 năm 2013 và thứ 6/63 tỉnh thành năm 2014 và xếp hạng thứ 4/63 năm 2015. So với năm 2012, điểm số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng 7,41 điểm và tăng 39 bậc. Đáng chú ý, có 6 chỉ số thành phần đã được cải thiện về cả điểm số và thứ hạng gồm: chỉ số Tiếp cận đất đai; chỉ số Tính minh bạch; chỉ số Chi phí thời gian; chỉ số Tính năng động; chỉ số Đào tạo lao động; chỉ số Thiết chế pháp lý. Cụ thể, việc thăng hạng của chỉ số tính minh bạch cho thấy tác động tích cực của đề án trong việc thực hiện minh bạch hóa các loại tài liệu quy hoạch, kế hoạch đã thuận lợi hơn, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các văn bản pháp lý trên các trang website của các sở, ngành, cổng thông tin điện tử. Các thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết về các thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, mức phí, lệ phí đều được đăng tải tại các Bộ phận tiếp nhận Hồ sơ và niêm yết trước các cơ quan cũng như trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan liên quan. Việc công khai các nội dung này giúp người dân và các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Dự án eRegulations III (Hệ thống quy định điện tử Việt Nam III) được triển khai nhằm xây dựng trang web E-regulations của tỉnh với mục đích công khai các thủ tục, quy trình đầu tư tích hợp với Hệ thống điện tử của UNCTAD, tạo sự kết nối với cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế. Trang web của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh thường xuyên đăng tải các thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư, cơ hội đầu tư, các thủ tục đầu tư, các tin tức, sự kiện liên quan tới các hoạt động đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp – chính quyền tỉnh là nơi các cá nhân, doanh nghiệp hỏi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình tới các cấp, sở, ban, ngành của tỉnh. Trang web của IPA được xây dựng trên 5 ngôn ngữ giúp cho việc tiếp cận của các doanh nghiệp nước ngoài trở nên khả thi, dễ dàng, thuận tiện. Chỉ số tính năng động được cải thiện mạnh mẽ. Hệ thống chính trị đã quan tâm hơn đến phát triển khu vực tư nhân, các vấn đề vướng mắc của khu vực này được chỉ đạo giải quyết tốt hơn, có sự phối hợp đồng bộ hiệu quả hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, tinh thần thái độ của các cấp các ngành có sự chuyển biến rõ rệt từ hành chính quản lý nhà nước sang hành chính vừa quản lý vừa phục vụ…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, PCI của Vĩnh Phúc còn một số hạn chế đó là: Nhiều chỉ số đã có sự cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn chưa thật sự ổn định. So với các tỉnh thì Vĩnh Phúc chưa có chỉ số thành phần nào nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu. Kết quả đạt được thông qua các chỉ số PCI không đồng đều, điều này thể hiện sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính còn chưa đồng bộ và chưa thực sự quyết liệt… Và nguyên nhân của hạn chế này do sự phối hợp giữa các sở, ngành mang tính hình thức, chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính về những hạn chế. Kết nối giữa chính quyền các cấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa kịp thời. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số đơn vị còn thiếu sự sát sao, đồng bộ, quyết liệt nhất là trong việc giải quyết những tồn tại và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Chưa phát huy được vai trò của hiệp hội và tổ chức chính trị trong việc tham gia phản biện, tham vấn các chính sách có liên quan đến môi trường đầu tư. Chất lượng các dịch vụ như: Giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, nhà ở xã hội cho công nhân, chất lượng lao động đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn rất nhiều khó khăn. Chưa thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển và cung cấp thông tin nên doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong tiếp cận thông tin để dễ dàng hơn trong quyết định đầu tư, chất lượng thông tin trên các trang website của các sở ngành còn hạn chế
Để tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2016- 2020, tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ theo hướng cung cấp các dịch vụ liên quan đến giải quyết hành chính công trong thực hiện thủ tục đầu tư, để góp phần giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư. Công khai minh bạch các thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Thường xuyên thực hiện rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Tăng cường sự tham gia, phản biện của doanh nghiệp, người dân trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách, đảm bảo minh bạch, công khai đầy đủ các thông tin tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân được tham gia nhiều hơn ngay từ khâu thiết kế chính sách, đến tham gia thực hiện và giám sát chính sách, tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong xã hội. Thực hiện đánh giá, xếp hạng và công khai kết quả thực hiện CCHC, chỉ số hài lòng hành chính hàng năm của các ngành, các địa phương. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp, tăng cường đối thoại chuyên đề, đa dạng thêm các kênh nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023