Thứ Tư, 19/10/2016 8:03:25 (GMT+7)

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Thời gian qua, với những giải pháp tích cực của các sở, ngành cùng sự hỗ trợ của UBND huyện Tam Dương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đã vượt qua khó khăn, tiếp tục có sự tăng trưởng, ổn định quy mô sản xuất, kinh doanh.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Vĩnh Thịnh (xã Kim Long-Tam Dương) tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh Thế Hùng

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đến năm 2020, UBND huyện Tam Dương chỉ đạo các phòng, ban chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện để các nhà đầu tưtìm hiểu các thông tin về quy hoạch cũng như tiềm năng của huyện, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển. Huyện phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Phát triển công nghiệp tỉnh mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề và kỹ năng làm việc cho lao động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đặc biệt, để tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, huyện đã sớm hoàn thành công tác quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020. Đến nay, huyện đã tiến hành quy hoạch xong 3 khu công nghiệp (KCN) là: Tam Dương I, Tam Dương II và Tam Dương III, với tổng diện tích 1.450 ha và cụm công nghiệp (CCN) Hợp Thịnh. Các KCN, CCN này đã và đang được huyện triển khai tích cực các giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN. Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, hệ thống giao thông được huyện mở rộng, nâng cấp, xây mới, tạo sự thông suốt liền mạch với mạng lưới giao thông của tỉnh và trung ương, rút ngắn khoảng cách, giảm chi phí vận chuyển, trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển. Các tuyến đường giao thông huyết mạch như: Đường vành đai KCN Tam Dương I, đường Hợp Thịnh – Đạo Tú, đường Hợp Châu- Đồng Tĩnh giai đoạn 2, đường nội thị phía Đông, phía Tây của huyện đã và đang được thi công đã tạo “lực hút” các nhà đầu tư vào địa bàn. Trong 9 tháng năm 2016, huyện đã tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường GPMB cho 36 công trình, dự án, trong đó tiêu biểu là KCN Tam Dương II- Khu B với diện tích mặt bằng là 8,77 ha và công khai phương án Bồi thường GPMB cho 3 Khu Tái định cư thuộc KCN Tam Dương II-Khu B.

Cơ sở kỹ thuật, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc của huyện đã và đang được tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.. 9 tháng năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt trên 737 tỷ đồng, tăng 21,36% so với cùng kỳ năm 2015. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển, doanh thu vận tải ước đạt trên 92 tỷ đồng, tăng 5,85% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 391 tỷ đồng, bằng 85% dự toán tỉnh giao, trong đó thu từ tiền sử dụng đất là 35 tỷ đồng.

Công ty TNHH Vitto-VP (KCN Tam Dương II) đi vào hoạt động trên địa bàn huyện từ năm 2015, sau những khó khăn ban đầu, đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đã dần ổn định, công suất đạt 35.000 m2/ngày, doanh thu 9 tháng ước đạt khoảng 695 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 400 lao động với mức thu nhập gần 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có khoảng 50% công nhân là lao động địa phương. Cùng với đó, hoạt động của các doanh nghiệp trong các ngành: Chế biến thực phẩm, may mặc, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim trên địa bàn tiếp tục được duy trì và phát triển. Tại cụm công nghiệp Hợp Thịnh, ngay sau khi có mặt bằng sạch, 47 doanh nghiệp đã vào đầu tư tại địa bàn huyện với tổng số vốn đăng ký 2.450 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn đã có một số công ty, doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, góp phần tạo thu nhập và việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Vĩnh Thịnh (xã Kim Long -Tam Dương) là doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da xuất khẩu, mặc dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 song đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động với thu nhập bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy rằng, sự phát triển của các doanh nghiệp đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết bài toán lao động việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới, huyện Tam Dương sẽ tiếp tục đôn đốc, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về bồi thường, GPMB, thu hồi đất, giao đất trong các dự án trọng điểm của huyện, của tỉnh như: KCN Tam Dương II-Khu B thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Lưu Nhung - Báo Vĩnh Phúc