Tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Những năm qua, tỉnh ta làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, nhất là xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng cách tăng cường tiếp xúc, trao đổi với một số doanh nghiệp có dự án lớn đang đầu tư tại các KCN có khả năng mở rộng; xây dựng nội dung làm việc với các đoàn nhà đầu tư nước ngoài để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư tại các KCN; chăm sóc, hỗ trợ tốt doanh nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhằm tạo niềm tin, sự yên tâm cho các nhà đầu tư hiện tại và tương lai; thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về nguồn vốn tín dụng, ưu tiên cung ứng lao động; hỗ trợ đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu của các dự án vào đầu tư tại các KCN…
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN, 9 tháng năm 2016, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút đầu tư 21 dự án mới, trong đó, có 4 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 823,18 tỷ đồng; 17 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 164,9 triệu USD; nâng tổng số dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 9/2016 là 195 dự án, gồm 40 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 14,5 nghìn tỷ đồng và 155 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đều hoạt động ổn định. Trong đó, riêng doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2015.
Để có được kết quả đó, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung quy hoạch, xây dựng đường giao thông, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc… của các KCN; áp dụng mức thuế thấp nhất trong khung quyết định của Nhà nước để giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính minh bạch, đơn giản và thuận tiện hơn. Trong 9 tháng năm 2016, tỉnh ta đã công bố bãi bỏ 55 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, lao động, xây dựng; công bố mới 33 thủ tục hành chính; công bố sửa đổi, bổ sung 1 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với nội dung cấp phép xây dựng các công trình trong KCN (đối với từ cấp 3 trở lên). Nhờ vậy, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư được rút ngắn từ 1/3 đến ½ so với quy định.
Năm 2011, Công ty Haesung Vina được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư tại KCN Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên). Từ khi thành lập đến nay, công ty đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía các ban, ngành của tỉnh như: Giảm giá thuê đất, miễn thuế những năm đầu tiên; tạo cơ chế thông thoáng về hồ sơ xây dựng; ưu tiên cung ứng lao động;…Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn ổn định, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2016, doanh thu của công ty đạt hơn 216 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động, với mức lương trung bình từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu hút đầu tư vào các KCN còn gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo của Ban Quản lý các KCN, số lượt nhà đầu tư đến làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Các dự án thu hút mới chủ yếu vẫn là công nghiệp lắp ráp, gia công. Trong khi đó, việc thu hút các dự án DDI chưa hiệu quả do chịu sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI về vốn, quy mô, chất lượng sản phẩm và trình độ công nghệ; công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn hạn chế, do phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước. Hoạt động của các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn thiếu đa dạng, chưa có sự tham gia nhiều của các dự án. Một số KCN mới như: KCN Tam Dương II (khu A, khu B), Phúc Yên, Chấn Hưng…còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp dẫn đến việc thu hút đầu tư các dự án còn hạn chế. Nhiều khu KCN được thành lập, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa được đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp như: KCN Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên,…Hạ tầng xã hội ngoài hàng rào của các KCN trên địa bàn huyện Lập Thạch, Sông Lô còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp.
Để khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu từ nay đến cuối năm thu hút đầu tư từ 3-5 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký mới đạt 40-50 triệu USD và 1-2 dự án DDI với tổng vốn đầu tư từ 100-200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc tập trung thực hiện rà soát lại quy hoạch không gian phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh; lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phúc Yên để thu hút đầu tư, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Khai Quang, Bá Thiện II, Bình Xuyên II giai đoạn 1, Tam Dương II khu A; phối hợp hoàn thành bồi thường GPMB KCN Thăng Long, KCN Tam Dương II khu B, KCN Chấn Hưng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” nhằm giảm chi phí, thời gian cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành công nghiệp hỗ trợ như: Linh kiện điện tử; sản xuất, lắp ráp phụ tùng ô tô, xe máy…; tăng cường giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023