Tăng cường lãnh đạo thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và quản lý dự án sau cấp phép
Trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh đối với công tác vận động, thu hút đầu tư, Đảng bộ Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hút đầu tư gắn với nhiệm vụ chính trị được giao; phối hợp với các cấp, các ngành để vận động thu hút các dự án đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước có vốn đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào địa bàn tỉnh; phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển các KCN, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư. Công tác quy hoạch và xây dựng các KCN có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2010 – 2015, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 89 dự án mới, trong đó có 73 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 1,15 tỷ USD và 16 dự án DDI với tổng vốn đăng ký là 8.925,6 tỷ đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT – TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp, Ban Quản lý các KCN đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, đề nghị Chính phủ đưa 2 KCN là Hội Hợp (150 ha) và Vĩnh Tường (200 ha) ra khỏi danh mục các KCN đã được phê duyệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích 5.632 ha, trong đó có 8 KCN đã thành lập và đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với các KCN mới như: KCN Tam Dương II – Khu A do Công ty TNHH VITTO – VP làm chủ đầu tư; KCN Tam Dương II – khu B do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư… Các KCN được xây dựng trên địa bàn đã tạo ra quỹ đất sạch, có hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy các KCN là 47,91% (trên diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch), nếu tính trên diện tích đất đã bồi thường, thu hồi và giao thì tỷ lệ lấp đầy 75,31%. Ban Quản lý các KCN đã làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng để giảm mức giá cho thuê hạ tầng một cách hợp lý, có sức cạnh tranh với các địa phương lân cận, tạo sức hút cho môi trường đầu tư của tỉnh. Các dự án đầu tư và các KCN đi vào hoạt động có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Để tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, Đảng ủy Ban Quản lý các KCN đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các giải pháp vận động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư và quản lý các dự án sau cấp phép. Tổ chức tham gia hội thảo ở trong nước và nước ngoài để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc. Vận động các doanh nghiệp đang đầu tư có hiệu quả tại Vĩnh Phúc giới thiệu về môi trường đầu tư, về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Đảng bộ Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn coi trọng công tác hậu kiểm, quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện triển khai dự án FDI; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư và theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp sau cấp phép. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư của những dự án không có khả năng triển khai; xử lý nghiêm các dự án vi phạm pháp luật về đầu tư. Vì vậy, số dự án đầu tư trên địa bàn liên tục tăng, từ 2010 đến 2015, toàn tỉnh có thêm 75 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động lên 146 dự án. Vốn thực hiện của các dự án đạt gần 54 % tổng vốn đầu tư đăng ký. Giai đoạn (2011-2014) đã thực hiện thu hồi, giải thể, xóa tên 46 dự án/doanh nghiệp, thu hồi 255,78ha, trong đó: 13 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư: 103,1 triệu USD, diện tích đất thu hồi: 27,98ha; 33 dự án DDI với tổng vốn đầu tư: 4.342,9 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi: 554,8ha. Dự kiến năm 2015 thu hồi, giải thể 5 dự án FDI, tổng vốn đầu tư: 246 triệu USD, diện tích đất thu hồi: 34ha.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Đảng bộ Ban quản lý các KCN tỉnh cùng với chính quyền thường xuyên phổ biến, quán triệt kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính tới toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong Ban; thực hiện tốt cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông” về ban hành quy định giải quyết thủ tục hành chính “Một cửa liên thông” trong các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh. 80% thủ tục hành chính của Ban được giải quyết trước thời hạn và đúng hạn, không có thủ tục bị chậm so với thời hạn. Từ 2010 đến 2015, Ban đã tham mưu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành 66 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.
Để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh, Đảng bộ Ban Quản lý các KCN đề ra một số giải pháp, trong đó tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Tiếp tục vận động, thu hút và lựa chọn các nhà đầu tư làm chủ đầu tư hạ tầng có năng lực tài chính mạnh, phương pháp quản lý tiên tiến, hiệu quả để đảm nhận nhiệm vụ chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các KCN. Tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao. Chú trọng các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, đi kèm là công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nhóm ngành cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, thu hút các dự án sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao để phục vụ chính cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp KCN. Tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại doanh nghiệp định kỳ hoặc tổ chức hội nghị chuyên đề giải quyết kịp thời các vướng mắc, những kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Coi việc xúc tiến đầu tư tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại tỉnh để trình bày về kinh nghiệm đầu tư tại tỉnh và giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh cho các nhà đầu tư khác. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, định kỳ rà soát, phân loại các dự án do Ban quản lý, theo dõi để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm: Có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác… Trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ có thể thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật, hoặc kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh