Thứ Năm, 11/05/2023 15:01:16 (GMT+7)

Tăng cường các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, sự tiết giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân và gánh nặng chi phí tăng cao đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng lần lượt 43% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng cường các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát tại 355 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh của các ngành chức năng, trong những tháng đầu năm, có 16 doanh nghiệp lớn, 156 doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh gặp khó khăn do cắt giảm đơn hàng, thị trường tiêu thụ giảm; 51 doanh nghiệp khó khăn về vốn sản xuất; 60 doanh nghiệp thiếu lao động phổ thông, lao động chất lượng cao; 25 doanh nghiệp phản ánh bị kiểm tra chồng chéo; 9 doanh nghiệp thiếu mặt bằng sản xuất; 13 doanh nghiệp khó khăn trong thủ tục hành chính; 9 doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất từ tháng 12/2022, chỉ bảo đảm khoảng 35 – 50% năng lực sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế dương từ quý II/2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tổ chức nhiều hội nghị với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để nắm bắt, bàn và đưa ra các giải pháp tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như với nguồn vốn tín dụng, thống nhất phương án từ ngày 17/4/2023, việc cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được thực hiện theo Luật Tổ chức tín dụng và Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Về lao động, Sở Lao động –  Thương binh và Xã hội có các giải pháp dự báo trước nhu cầu, hạn chế tình trạng thiếu lao động cục bộ tại các khu công nghiệp. Sở Công thương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp dịch chuyển các dự án, nhà máy có tính chất gia công, không phát thải ra môi trường, sử dụng nhiều lao động phổ thông, lao động không yêu cầu tay nghề cao dịch chuyển về khu vực nông thôn nhằm giải quyết việc làm tại chỗ.

Với những khó khăn về thủ tục hành chính, Vĩnh Phúc sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công; chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ với định hướng “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết và không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân”.

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, duy trì thứ hạng nằm trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về PCI, tại các hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động nắm bắt, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, khôi phục sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp từng bước chuyển sang mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững; công khai, minh bạch quy hoạch đất đai, các thông tin về công tác quy hoạch tới doanh nghiệp. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiến tới xanh hóa hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn