Thứ Tư, 09/10/2013 7:18:48 (GMT+7)

Sớm có cơ chế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành giao thông.

Lao động thiếu việc làm, bị nợ lương, đời sống khó khăn… là thực trạng hiện nay tại nhiều doanh nghiệp (DN) xây lắp ngành giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc. Toàn ngành hiện có 25 công trình bị chậm thanh toán số tiền lên tới hơn 13,4 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là những công trình được khởi công từ năm 2007 và hoàn thành từ năm 2010, thậm chí có công trình được thi công và hoàn thành từ năm 2004 nhưng vẫn chờ thanh toán.

Sớm có cơ chế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành giao thông.

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng được xác định do các công trình thi công bị đình hoãn, giãn tiến độ. Hiện tại, hầu hết các DN trong ngành GTVT đều hoạt động bằng vốn vay. Trong khi đó, các ngân hàng cũng khó khăn, phải tập trung thu nợ và siết chặt các điều kiện vay, khiến nhiều DN gặp khó khăn. Năm 2011, ngay cả các đơn vị xây lắp ngành GTVT có thương hiệu, uy tín và quan hệ với ngân hàng lâu năm mà cũng không có cách nào tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Vốn cấp chậm và nhỏ giọt, thi công cầm chừng, nhân công, thiết bị không sử dụng hết công suất, khiến tình hình tài chính của các đơn vị này trở nên hết sức bi đát. Tuy thời gian gần đây, lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm nhưng để vay được lại không hề đơn giản. Nhiều công trình nợ đọng chưa được thanh toán, vấp phải nhiều thủ tục vướng mắc, một số định mức, đơn giá vật tư, vật liệu không sát thực tế, chưa được điều chỉnh trượt giá kịp thời khiến nhà thầu càng làm càng lỗ. Tình trạng phổ biến ở gần như tất cả các công trình giao thông là việc giải phóng mặt bằng chậm và phức tạp, nhà thầu huy động máy móc, nhân lực ra công trường buộc phải nằm chờ hàng tháng, bị thiệt hại và lãng phí lớn nhưng không được ai đền bù.

Ông Bùi Quang Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Bảo Quân cho biết: Là một nhà thầu có uy tín Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Bảo Quân đã tham gia trúng thầu một số công trình xây lắp của ngành GTVT Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn 2 công trình đã hoàn thành, đi vào khai thác sử dụng gần 4 năm nay, nhưng thủ tục nghiệm thu thanh toán vẫn đang nằm trên bàn chờ phê duyệt đó là: Công trình Cải tạo nút giao thông rừng Lim, thành phố Vĩnh Yên. Dự án được phê duyệt, năm 2008, khởi công năm 2009 và hoàn thành năm 2010. Vốn đã bố trí đến hết năm 2012 là 32 tỷ đồng, hiện còn nợ đọng gần 2 tỷ đồng đã gần 2 năm nay chưa thanh toán. Bên cạnh đó còn có công trình Nút giao thông ngã 5 nhà thi đấu gồm 2 gói thầu, được khởi công năm 2008 và hoàn thành năm 2009. Vốn đã bố trí đến hết năm 2012 là 111,3 tỷ đồng, hiện chủ đầu tư còn nợ gần 1 tỷ đồng. Với tổng số tiền nợ đọng của cả 2 công trình chưa được thanh toán gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Bảo Quân vẫn chưa được liệt vào danh sách những đơn vị nợ đọng kéo dài nhất của ngành GTVT. Có công trình mới nợ gần đây, nhưng cá biệt có công trình gần chục năm nay vẫn chưa thanh toán xong. Ðơn cử, tại công trình Cải tạo, nâng cấp ĐT.305, đoạn Mả Lọ-Quán Tiên (địa điểm xây dựng Yên lạc, thành phố Vĩnh Yên, khối lượng hoàn thành từ năm 1996 là 5,8 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa quyết toán xong, hiện còn nợ gần 1 tỷ đồng. Còn lại gần chục công trình đi vào sử dụng 3-4 năm nay rồi nhưng các DN vẫn chưa được chủ thầu thanh toán xong như: Công trình Cải tạo, nâng cấp ĐT.309 đoạn Hoàng Đan – Thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương); Dự án Cải tạo, nắn chỉnh QL.2C, Đồng Văn – Lề Lỗ – Hợp Thịnh; Cải tạo, nâng cấp ĐT.314 đoạn ngã 3 đi Tây Thiên đến QL2; Cải tạo, nâng cấp ĐT.315 (Nhạo Sơn – Quang Yên) – Gói 4; Cải tạo, nâng cấp ĐT.303 đoạn Km 1+500-Km7 (Bình Xuyên); Hệ thống đường gom khu vực cầu vượt đường sắt số 1, thị xã Phúc Yên…

Theo các chủ thầu xây dựng thì nhà thầu có trách nhiệm thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn tất công tác nghiệm thu, bàn giao, còn lại phụ thuộc chủ đầu tư, các cơ quan quản lý. Ðành rằng công trình sử dụng vốn ngân sách, thủ tục phê duyệt qua nhiều khâu, việc chậm quyết toán dẫn đến nợ cũng là điều dễ hiểu, song phê duyệt quá chậm và phức tạp đã đẩy các DN vào tình cảnh rất khó khăn. Làm ăn không có lãi, không có tiền trả ngân hàng, phát sinh lãi, DN càng chìm sâu trong nợ nần. Ðể cầm cự, nhiều DN buộc phải cắt giảm chi phí, nợ lương và các chế độ đối với người lao động, khiến đời sống thợ cầu đường vốn đã vất vả càng thêm eo hẹp.

Ðể sớm tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc cho các DN ngành GTVT, dĩ nhiên các cơ quan quản lý cần phải giải quyết sớm nợ tồn đọng, chi trả cho DN các khoản nợ DN đã ứng tiền ra xây dựng nhưng chưa được ngân sách thanh toán. Từ đó, mới khơi thông được toàn bộ các khâu từ nguồn vốn vay ngân hàng để DN trả nợ đối tác, đến năng lực tài chính để đấu thầu công trình, tạo việc làm và trả lương, thưởng giữ chân người lao động, từ đó vươn lên.

Mới đây, Bộ GTVT đã có chỉ thị yêu cầu chủ đầu tư, các PMU (Ban quản lý dự án) ngành giao thông có từ 3 dự án trở lên lập báo cáo quyết toán chậm hơn 6 tháng sẽ không được giao dự án mới, người đứng đầu PMU hoặc chủ đầu tư sẽ bị xử lý trách nhiệm cá nhân. Các chủ đầu tư, PMU cần bám sát tiến độ thực hiện và giải ngân công trình, báo cáo chính xác kết quả giải ngân từng thời điểm để kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn; hoàn chỉnh ngay thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thành các thủ tục để có cơ sở tạm ứng, tạm thanh toán cho nhà thầu. Với các dự án đã hoàn thành, yêu cầu DN làm gọn thủ tục hoàn công để thanh toán hết; dự án bị đình hoãn, nếu đạt khoảng 50% khối lượng sẽ xem xét, bố trí vốn đầu tư tiếp để hoàn thành, tạo điều kiện cho DN sớm thu hồi vốn, người lao động có việc làm. Công trình nào chưa rõ nguồn vốn, không có tiền thì đề nghị DN không làm. Ðối với nhà thầu, cần huy động hết khả năng thi công nhanh chóng, sử dụng vốn đúng mục đích, phối hợp tốt với chủ đầu tư hoàn chỉnh nhanh hồ sơ nghiệm thu thanh toán và tạm ứng vốn cho công trình, thực hiện tốt việc giải ngân và xóa bỏ tư tưởng trông chờ cơ chế ưu đãi.

Theo Nguyễn Hoàn - Báo Vĩnh Phúc