Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc thực hiện khảo sát đột xuất, đánh giá tác động của cách ly, giãn cách xã hội đối với doanh nghiệp
Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đã tác động vô cùng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội của Tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định thực hiện cách ly xã hội đối với Thành phố Vĩnh yên, thị trấn Yên Lạc – Huyện Yên Lạc, mới đây là phường Hùng Vương – Thành phố Phúc Yên.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc đã kết hợp tiến hành khảo sát đột xuất, đánh giá tác động của cách ly, giãn cách xã hội đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Mục đích của cuộc khảo sát nhằm kịp thời nắm bắt tình hình thực tế của Doanh nghiệp từ đó cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách của tỉnh trong thời gian cách ly xã hội, góp phần tìm ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn trước dịch Covid -19 lần 02 tại Vĩnh Phúc.
Cuộc khảo sát được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến: Thông qua bảng hỏi các doanh nghiệp lựa chọn thông tin phù hợp với tình hình thực tế của mình; Các thành viên thuộc “Tổ thanh niên tình nguyện hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phòng chống dịch bệnh Covid – 19” do BCH Đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập, trực tiếp liên hệ, kết nối, khảo sát thông tin từ phía doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp.
Nội dung khảo sát bao gồm: Thông tin nhận dạng đơn vị khảo sát (tên, địa chỉ, điện thoại, fax, email, mã số thuế, loại hình kinh tế, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính); tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; những khó khăn của doanh nghiệp khi cách ly xã hội.
Kết quả sơ bộ (tính từ ngày quyết định cách ly xã hội đối với thành phố Vĩnh Yên có hiệu lực đến nay) đã có 786 lượt cung cấp thông tin thông qua bảng hỏi trực tuyến, trong đó khó khăn mà doanh nghiệp đề cập đến nhiều nhất liên quan đến lao động và nhân lực (chiếm 37,2%); Sau đó đến khó khăn về thị trường tiêu thụ, cung ứng vận tải, vận chuyển (chiếm 26,2%). Xuất phát từ chính yêu cầu của cách ly, giãn cách xã hội: quản lý chặt chẽ việc ra/vào các khu vực cách ly; Các phân xưởng, nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh phải bảo đảm khoảng cách an toàn, người lao động trong diện cách ly phải thực hiện cách ly theo quy định, do vậy việc đi lại làm việc của người lao động, vận chuyển, vận tải gặp khó khăn, số lượng lao động thực hiện công việc giảm xuống là điều khó tránh khỏi. Nhóm khó khăn về vốn chiếm 9,9%; khó khăn về đơn hàng và doanh thu chiếm 7,4%, đặc biệt tập trung ở các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ thuộc diện buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội theo quy định. Nhóm khó khăn về thông tin, hỗ trợ thủ tục hành chính, hướng dẫn phòng chống covid chỉ chiếm 3,9 %, điều này cho thấy các cấp chính quyền đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ thủ tục hành chính, hướng dẫn phòng chống dịch, bệnh Covid – 19 trên địa bàn tỉnh, cần phải phát huy hơn nữa để các doanh nghiệp không còn gặp khó khăn liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra còn có các khó khăn khác chiếm 15,4%.
Qua tổng hợp của tổ hỗ trợ doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và các khu du lịch lớn trên địa bàn tỉnh (Flamingo Đại Lải, Tam Đảo I, Tây Thiên, 03 sân golf…) chịu ảnh hưởng lớn của cách ly, giãn cách xã hội do phải chấp hành chỉ đạo dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ (trừ các dịch vụ thiết yếu theo quy định) của UBND tỉnh. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành nghề khác đều phản ánh các khó khăn giống như đã được đề cập ở nội dung khảo sát trực tuyến.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện cuộc khảo sát, tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến cách ly, giãn cách xã hội, đồng thời tích cực phản hồi các về khó khăn, vướng mắc của mình sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nắm bắt được đầy đủ nhất tác động của cách ly, giãn cách xã hội đối với doanh nghiệp, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh