Thứ Tư, 31/12/2014 9:33:28 (GMT+7)

Vĩnh Phúc sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường, thu hút đầu tư

Năm 2014 được coi là năm của thu hút đầu tư khi kết quả thu hút các dự án FDI, DDI đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong những ngày cuối năm Giáp Ngọ, ông Nguyễn Tiến Hạnh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã cùng chúng tôi điểm qua những kết quả nổi bật của lĩnh vực này cũng như đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Vĩnh Phúc sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường, thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Tiến Hạnh - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc IPA Vinh Phuc

P/v: Đến hết tháng 6, Vĩnh Phúc đã vượt chỉ tiêu thu hút đầu tư của cả năm 2014. Nguyên nhân nào dẫn đến thành công này thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Hạnh: Đúng như vậy, đến hết tháng 6, Vĩnh Phúc đã vượt chỉ tiêu thu hút đầu tư của cả năm 2014. Đến giữa tháng 12 tỉnh đã thu hút được 82 dự án đầu tư mới, vượt 52 dự án so với kế hoạch đề ra. Trong đó, có 37 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 4.390 tỷ đồng; 45 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 407,7 triệu USD, tăng 73% về dự án, 23% về vốn so với năm 2013.  Đây cũng là năm có số dự án FDI đi vào hoạt động cao nhất, với 31 dự án. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 184 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3.077 triệu USD; 573 dự án DDI, tổng vốn đăng ký 38.607,6 tỷ đồng.

Có được kết quả trên là do thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư. Song song với việc đổi mới, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ở các thị trường tiềm năng, Vĩnh Phúc còn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ thông qua những việc làm cụ thể như: tạo quỹ đất sạch, cung cấp lao động tay nghề cao, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, kịp thời nắm bắt thông tin giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Ngoài việc thực hiện tốt những chính sách ưu đãi chung của Nhà nước, Vĩnh Phúc còn có một số chính sách ưu đãi riêng đối với nhà đầu tư như: xây dựng hạ tầng thiết yếu đến các khu công nghiệp, hỗ trợ bằng tiền đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các khu và cụm công nghiệp …

Cùng với đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân trong tỉnh; công tác chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện tốt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2013-2015 đã tạo cho môi trường đầu tư của tỉnh hấp dẫn hơn.

P/v: Kết quả khảo sát về môi trường đầu tư của tỉnh mới đây tại 90 doanh nghiệp FDI, DDI cho thấy, yếu tố quan trọng tạo nên thành công của thu hút đầu là tính năng động của lãnh đạo tỉnh. Vậy thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã tiến hành những hoạt động cụ thể nào để “ghi điểm” trong mắt các nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Tiến Hạnh: Tính năng động của lãnh đạo tỉnh là một trong mười chỉ số cấu thành Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vĩnh Phúc thực hiện chính sách thu hút đầu tư với một thông điệp rõ ràng “các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp thành công, Vĩnh Phúc phát triển”. Vì thế, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cùng với sâu sát chỉ đạo các cấp, các ngành, các huyện thành thị tập trung thực hiện tốt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2013-2015, lãnh đạo tỉnh còn trực tiếp gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư cùng với các Sở, ngành có liên quan tổ chức tiếp và làm việc với 101 đoàn công tác, với 667 người, trong đó có 456 người là nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Trong đó, có một số nhà đầu tư tiêu biểu như: Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khảo sát đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp; Đoàn công tác của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đến khảo sát, triển khai lập dự án xây dựng nhà xưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật thuê tại khu công nghiệp Bá Thiện II; Công ty Xây dựng và Kỹ thuật GS E&C, Singgapore  và Công ty Toll Logictics, Australia đến tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng cảng cạn ICD; Trường Đại học Porland và Trường Đại học Arizona Hoa Kỳ đến tìm hiểu, phối hợp với tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh; Tập đoàn Parway Pantai, Singapore nghiên cứu đầu tư bệnh viện quốc tế tại tỉnh,… Quan trọng hơn là việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh cung cấp đầy đủ, kịp thời, công khai minh bạch các thông tin về chính sách, môi trường đầu tư, quy trình thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như vốn, lao động, thuế, hải quan, điện nước cho sản xuất, an ninh trật tự… luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền được duy trì hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính về đầu tư được giải quyết theo cơ chế một của liên thông tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã rút ngắn thời gian giải quyết xuống 1/3 đến một nửa so thời gian quy định, được các chủ đầu tư, nhà đầu tư đánh giá cao.

P/v: Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công nhiều chuyến xúc tiến đầu tư vào thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Maylaysia, Hoa Kỳ và các nước châu Âu, châu Phi, châu Úc. Vì sao chúng ta lại chọn các nước này để kêu gọi đầu tư thưa ông?

 Ông Nguyễn Tiến Hạnh: Năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công tốt đẹp 6 chuyến xúc tiến đầu tư theo kế hoạch của tỉnh; cử 3  nhóm công tác tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức.

Thị trường thu hút đầu tư truyền thống của Vĩnh Phúc trong thời gian qua là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thailand. Các quốc gia này đã có mối quan hệ hữu nghị lâu dài với Việt Nam, Chính phủ các nước có định hướng rõ ràng và có chính sách hỗ trợ cụ thể khi đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, các quốc gia trên có thế mạnh trong các ngành, lĩnh vực, có trình độ công nghệ rất phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh…

Ngoài các thị trường trên, mấy năm gần đây, Vĩnh Phúc tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư tại các nước châu Âu, Hoa Kỳ, châu Phi và châu Úc nhằm mở thêm các thị trường tiềm năng. Đây cũng là các nước có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển, có tiềm năng rất lớn về vốn, công nghệ, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia. Đặc biệt là phát triển các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải logicstic, y tế, giáo dục, phát triển đô thị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…mà Vĩnh Phúc đang cần.

Trong năm 2014, các đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh tại nước ngoài đã tổ chức hơn 20 cuộc hội thảo, đến thăm và làm việc trực tiếp với gần 50 tổ chức, doanh nghiệp để vận động đầu tư. Qua đó, chúng ta đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế môi trường đầu tư của tỉnh với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư này, Vĩnh Phúc tăng cường hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các tổ chức, địa phương nước bạn.

 P/v: Để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 của thế kỷ này, chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm. Xin ông cho biết, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nào để Vĩnh Phúc luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư?

 Ông Nguyễn Tiến Hạnh: Trong điều kiện cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia trong khu vực và giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước thì việc giữ cho Vĩnh Phúc luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là một thách thức rất lớn.

Để thực hiện thành công mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV đã đưa ra các định hướng và giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn đầu tư trực tiếp vào tỉnh đóng vai trò rất quan trọng. Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ngoài việc tiếp tục thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2013-2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã, đang và tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Đẩy mạnh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Ngoài chú trọng xúc tiến đầu tư ở các thị trường truyền thống khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Vĩnh Phúc sẽ xúc tiến đầu tư vào thị trường châu Âu, châu Úc, châu Phi và Hoa Kỳ để thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, vốn đầu tư lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua chăm sóc, hỗ trợ thật tốt cho doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai: Đẩy mạnh cải cách hành chính trong thu hút đầu tư. Xây dựng, công khai quy trình, thủ tục, quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư theo cơ chế “một cửa liên thông”, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời đến nhà đầu tư, doanh nghiệp các cơ chế chính sách mới của trung ương, của tỉnh.

Thứ ba: Ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư: Xây dựng, thực hiện thêm một số chính sách ưu đãi đầu tư riêng ở một số lĩnh vực: mở rộng phạm vi, đối tượng ưu đãi về công nghiệp hỗ trợ; cơ chế giao đất sạch cho các dự án xã hội hóa về y tế, giáo dục; chính sách khuyến khích đầu tư dự án quy mô lớn về du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, vận tải logicstic, các dự án nông nghiệp công nghệ cao…

Thứ tư: Tập trung vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng khung đô thị thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai, hạ tầng thiết yếu cho phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Hàng năm ngân sách tỉnh dành khoảng 30% vốn đầu tư phát triển đầu tư cho các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu nêu trên.

Thứ năm: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong đó sẽ tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015; Đề án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 theo Quyết định số 1400 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có dạy ngoại ngữ trong các trường nghề.

Pv: Xin cảm ơn ông!

Thanh Nga – Cổng TT-GTĐT Vĩnh Phúc thực hiện